PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nghiệm thu Đề tài khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn
Sáng 4/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất chủ trì họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Các thành viên Hội đồng tham quan khu vực trưng bày bộ sản phẩm đá mỹ nghệ
từ nguyên liệu đá tại các huyện trong tỉnh Bắc Kạn

Đề tài do Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện, Tiến sĩ Tô Xuân Bản làm Chủ nhiệm, thực hiện trong thời gian 30 tháng từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2024. Mục tiêu của Đề tài nhằm đánh giá tổng thể nguồn du lịch tự nhiên, đề xuất giải pháp tạo ra sản phẩm có giá trị phục vụ phát triển ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Qua thời gian thực hiện, đến nay, Đề tài đã hoàn thành 4 nội dung, đạt được mục tiêu theo thuyết minh đã được phê duyệt. Đáng chú ý là Đề tài đã hoàn thiện Bộ cơ sở dữ liệu thông tin về hang động (tài liệu, ảnh, bản đồ) và các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khác gồm 30 điểm du lịch tự nhiên, trong đó 50% là các điểm mới, đạt tổng 141 điểm tài nguyên du lich tự nhiên, vượt trội so với thuyết minh; hoàn thiện báo cáo sơ bộ về tiềm năng đá mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh và bộ sản phẩm chế tác thử đá mỹ nghệ gồm 30 sản phẩm ở mức độ chế tác hoàn chỉnh cuối cùng có thể sử dụng được ngay cùng hồ sơ đi kèm phục vụ du lịch và tiêu dùng của tỉnh Bắc Kạn. Đề tài cũng đã xây dựng phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu tài nguyên thiên nhiên trên nền tảng WebGIS...

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá, Đề tài cơ bản đã hoàn thành mục tiêu theo thuyết minh, các sản phẩm đầy đủ, khoa học. Đề tài đã đánh giá sơ bộ tài nguyên du lịch của tỉnh Bắc Kạn, nhất là đã chế tác được bộ sản phẩm đá mỹ nghệ từ nguyên liệu đá tại tỉnh... Đồng thời, các thành viên góp ý một số nội dung như: Một số số liệu chưa thống nhất, bản đồ về tài nguyên du lịch cần xây dựng chi tiết, cụ thể, đảm bảo yêu cầu hơn; cơ sở dữ liệu về du lịch chưa bao quát hết tài nguyên của tỉnh... Các thành viên Hội đồng đề nghị làm rõ hơn đối với việc chuyển giao, tiếp nhận WebGIS; một số nội dung nghiên cứu đảm bảo chi tiết hơn...

Các thành viên Hội đồng nhất trí nghiệm thu trên cơ sở chỉnh sửa nội dung báo cáo theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, đồng thời bỏ phiếu chấm điểm nghiệm thu với kết quả đạt loại Khá.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận những nỗ lực của cơ quan thực hiện, Chủ nhiệm đề tài trong quá trình nghiên cứu; đề nghị các thành viên Hội đồng nghiên cứu kỹ báo cáo nghiệm thu, có những nhận xét, đánh giá, góp ý chi tiết với cơ quan thực hiện.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất phát biểu tại cuộc họp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu các nội dung góp ý của thành viên Hội đồng, hoàn thiện báo cáo, sản phẩm Đề tài theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Tiếp tục phối hợp với tỉnh để tổ chức triển khai, ứng dụng trong thực tiễn đối với kết quả của Đề tài.

Sở Khoa học và Công nghệ rà soát các nội dung chỉnh sửa của báo cáo tổng kết, sản phẩm đề tài theo ý kiến kết luận của Hội đồng nghiệm thu.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận kết quả Đề tài, có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm kết hợp với tài nguyên du lịch vốn có đặc sắc về lịch sử, văn hóa và ẩm thực. Xem xét kế hoạch xây dựng, phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, trong đó có sản phẩm đá mỹ nghệ với tiêu chí đẹp, gọn, đẹp, giá thành hợp lý, đặc trưng văn hóa, tài nguyên và du lịch tại địa phương. Áp dụng, khai thác tốt các ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của Đề tài; cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch xã hội tích hợp với cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên nhằm hoàn thiện phần mềm, hệ thống truyền thông, góp phần vào công tác quảng bá du lịch cũng như phục vụ công tác định hướng, quy hoạch, quản lý, phát triển bền vững tài nguyên du lịch tại địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận thông tin kết quả Đề tài, xem xét có kế hoạch đánh giá đồng bộ về quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên đá mỹ nghệ. Thực hiện các biện pháp bảo vệ các nguồn tài nguyên này như là một tài nguyên không tái tạo để có thể tổ chức khai thác, phát triển an toàn, kết hợp hỗ trợ phát triển ngành du lịch bền vững, hiệu quả, thân thiện môi trường.../.

Hương Lan