Độ tương phản
Tập trung thực hiện thông tin giảm nghèo
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đề ra giải pháp phù hợp theo từng nhóm đối tượng thuộc Chương trình; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.
Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã sớm tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội như trợ cấp xã hội, tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo trong dịp lễ, tết; triển khai các chính sách, giải pháp về lao động việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tổ chức thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Từ nguồn kinh phí thực hiện giảm nghèo về thông tin, năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan sản xuất mới 10 tiểu phẩm truyền thanh và 80 chuyên mục phát thanh “Giảm nghèo về thông tin”, cung cấp các nội dung thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở toàn tỉnh. Cùng với đó, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn thực hiện các nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước, thông tin về giảm nghèo đến với người dân thông qua các chuyên trang, chuyên mục, gương điển hình thoát nghèo…
Các huyện, thành phố tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông với tổng số 2.330 người tham dự; sản xuất 36 chương trình phát thanh và nhiều tin, bài, video phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của các huyện, thành phố. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần giúp người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa công tác giảm nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện, từ đó nỗ lực, cố gắng vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 2024, thị trấn Đồng Tâm (Chợ Mới) có 5 hộ dân chủ động làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, trong đó có anh Triệu Nguyên Tây ở tổ 3, thị trấn Đồng Tâm. Anh Tây chia sẻ: “Gia đình tôi đã nhận hỗ trợ từ chính sách hộ nghèo suốt nhiều năm qua. Nhờ sự giúp đỡ ấy, tôi có cơ hội lo cho gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Lý do tôi chủ động viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo là vì không muốn phụ thuộc mãi vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tôi còn trẻ, có sức khỏe, tôi vẫn có thể lao động sản xuất để lo cho gia đình”.
Giảm nghèo vượt chỉ tiêu
Công tác tuyên truyền, thông tin về giảm nghèo đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua từng năm. Năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,49% (giảm từ 21,95% xuống còn 19,46%), trong đó các huyện nghèo giảm 4,17% (giảm từ 46,61% xuống còn 42,44%); hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,38% (giảm từ 24,49% xuống còn 21,11%), đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong năm, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tích cực được triển khai. Đến cuối năm 2024, đã có 3.700 lượt hộ nghèo, 1.107 lượt hộ cận nghèo, 524 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; 851 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở; 435 hộ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 3.268 hộ vay vốn giải quyết việc làm; cho vay tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên 321 hộ; 4.234 hộ vay vốn tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường; 452 hộ vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.
Trước đây, gia đình anh Nông Văn Nghiệp ở thôn Nà Lẹng, xã Yên Mỹ (Chợ Đồn) thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng ý chí tự lực, chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo. Anh Nghiệp chia sẻ, năm 2020, gia đình được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Sau đó, anh mạnh dạn vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội 60 triệu đồng để mua thêm 8 con bò, đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, tập trung phát triển chăn nuôi. Đàn trâu, bò sinh sản, phát triển tốt qua mỗi năm, có thêm vốn, anh tìm hiểu và bắt đầu mô hình nuôi nhím, duy trì số lượng đàn trên 50 con và đầu tư trồng rừng, đem lại thu nhập ổn định.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Đồn Ma Thị Na, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh nhưng cấp ủy, chính quyền cùng Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,1%, đạt mục tiêu đề ra nhờ vào các chương trình hỗ trợ sinh kế…
Với việc huy động và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025./.
MTTQ các cấp tập trung hỗ trợ hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán (01/01/2025)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững (01/01/2025)
Xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất hàng hóa (02/12/2024)
Chợ Đồn tập trung triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo (26/11/2024)
Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh (24/11/2024)