PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phấn đấu cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)
Để cải thiện các chỉ số thành phần, duy trì phát huy các điểm mạnh, các chỉ số thành phần ở mức cao, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai các giải pháp nhằm tăng điểm Chỉ số PII của tỉnh trong năm 2024.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
(Ảnh: Một tiết dạy học STEM tại Trường Tiểu học Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn)

Những điểm mạnh trong thực hiện chỉ số đổi mới sáng tạo

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột, gồm 5 trụ cột đầu vào (thể chế; vốn con người và nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp) và 2 trụ cột đầu ra (sản phẩm tri thức sáng tạo và công nghệ; tác động).

Dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở trung ương (39/52 chỉ số) và nguồn thứ hai do địa phương thu thập và cung cấp kèm theo các tài liệu minh chứng (13/52 chỉ số).

Ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số PII năm 2023. Theo kết quả xếp hạng, tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 56/63 toàn quốc và xếp thứ 8/14 các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc.

Trong các chỉ số, tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương của tỉnh Bắc Kạn được đánh giá khá cao, thể hiện mức độ tin tưởng, cảm nhận của doanh nghiệp đối với chính quyền, tính linh hoạt của chính quyền trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc…. Bên cạnh đó, chỉ số tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ, chi cho nghiên cứu và phát triển được địa phương quan tâm chú trọng thông qua nguồn chi cho đầu tư phát triển, chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ... Số lượng chỉ dẫn địa lý được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/10.000 dân ở mức khá, từ đó phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm và nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang "Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn" trên thị trường trong nước và quốc tế. Chỉ số tốc độ giảm nghèo của tỉnh có mức điểm cao, qua đó thấy được các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo đã được tỉnh triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh còn ít, năng lực và quy mô của các doanh nghiệp tỉnh còn hạn chế về nhiều mặt; các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; lực lượng lao động có tay nghề làm việc tại các doanh nghiệp số lượng ít; việc đào tạo cho cán bộ quản lý, lao động của doanh nghiệp chưa được chú trọng; đóng góp GDP cả nước của tỉnh Bắc Kạn chưa được nhiều.

Tập trung cải thiện chỉ số thành phần

Với mục tiêu từng bước cải thiện các điểm yếu, các chỉ số thành phần còn thấp điểm và tăng dần vị trí xếp hạng, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để cải thiện và nâng cao từng chỉ số thành phần PII còn thấp điểm trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trong đó, đối với chỉ số về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2023, chỉ số này của tỉnh đạt thấp nên đây sẽ là lĩnh vực ưu tiên trong cải thiện điểm số. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ lãi suất, chính sách về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sở Công Thương tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trên địa bàn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đổi mới thiết bị, công nghệ, sản phẩm mới; thực hiện đồng bộ có hiệu quả các cam kết thương mại quốc tế... Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.

Để tăng điểm chỉ số chi phí gia nhập thị trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư so với quy định; rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chuyên ngành thuộc lĩnh vực phụ trách sau đăng ký thành lập doanh nghiệp để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho doanh nghiệp.

Đối với chỉ số cải cách hành chính (CCHC), các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác CCHC; hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công; cải cách TTHC nhằm rút ngắn về thời gian, giảm về kinh phí, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Sở Nội vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ CCHC hằng năm, đánh giá công tác CCHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã theo hướng đi sâu vào chất lượng thực hiện công tác CCHC, phù hợp với thực tiễn công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào kết quả chỉ số CCHC hằng năm đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế của chỉ số CCHC để cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh. Các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Đối với chỉ số tỷ lệ học sinh trung học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tăng cường dạy học theo bài học STEM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật; tham gia các cuộc thi, hội thi khoa học, kỹ thuật do các cấp, các ngành tổ chức; triển khai mô hình giáo dục trường học gắn với thực tiễn. Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Đối với chỉ số chỉ số nhân lực nghiên cứu và phát triển/10,000 dân và chỉ số tổ chức khoa học và công nghệ/10,000 dân, Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tổ chức Khoa học và Công nghệ, các điều kiện để thành lập tổ chức Khoa học và Công nghệ. Công bố, công khai TTHC về cấp Giấy chứng nhận tổ chức Khoa học và Công nghệ; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp các hồ sơ, trình tự, thủ tục về cấp giấy chứng nhận tổ chức Khoa học và Công nghệ khi các tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Chỉ số đơn đăng kí bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân, Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn, đào tạo về công tác quản lý, bảo hộ, khai thác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ việc khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP của địa phương…

Những giải pháp đưa ra giúp cho địa phương Bắc Kạn có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, qua đó cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương, giúp cho các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với chính quyền các cấp, Bộ chỉ số PII cung cấp các căn cứ về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương; làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức; cung cấp công cụ, kỹ thuật cho phép đánh giá, so sánh năng lực, kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các địa phương cũng như chất lượng điều hành, quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII của địa phương sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.

Đối với khu vực nghiên cứu, Bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, có thể so sánh được qua thời gian và thúc đẩy các nghiên cứu khác.

Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương.  

Hương Lan