PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nhiều kết quả tích cực đã đạt được trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện gắn với các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó tạo được sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn tỉnh; Nhân dân làm chủ trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhiều đề án, chương trình nhằm phát triển nông nghiệp của địa phương được triển khai và đến nay đã đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó nổi bật là Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP). Bắt đầu thực hiện từ năm 2018, Chương trình OCOP đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ, phát triển các mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương đã thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản được nâng cao chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã sản phẩm. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (118 sản phẩm 3 sao, 13 sản phẩm 4 sao), đặc biệt, sản phẩm Miến dong Tài Hoan (Na Rì) đã được Hội đồng OCOP cấp quốc gia công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2020.

Lĩnh vực trồng trọt được quan tâm từ khâu quy hoạch, giống, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất với nhiều phương thức đa dạng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đế năm 2020, sản lượng lương thực đạt 180.000 tấn, tăng 29.111 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 567 kg/người/năm, tăng 52 kg/người/năm so với năm 2008. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã đem lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất trên đơn vị diện tích. Thu nhập của nông dân từ trồng trọt năm 2010 trung bình đạt 20 - 30 triệu đồng/ha. Đến nay, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao nên thu nhập trung bình đã tăng lên đạt 70 - 80 triệu đồng/ha, có mô hình chuyển đổi cho thu nhập từ 120 - 250 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 - 4 lần so với canh tác lúa, ngô… Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2020 đạt diện tích 1.898 ha. Từ năm 2008 đến nay, đã có 6 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 3 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận địa lý (hồng không hạt, quýt Bắc Kạn, miến dong Bắc Kạn); 3 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể (gạo Bao thai Chợ Đồn, chè Shan tuyết Chợ Đồn, Khẩu nua lếch Ngân Sơn). Đây là điều kiện thuận lợi để đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập của người dân.

Trong giai đoạn 2008 - 2021, hoạt động chăn nuôi luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng sản phẩm tốt, được thị trường ưa chuộng. Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách, bước đầu đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Về phương thức, có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi quy mô sản xuất hàng hóa, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Giai đoạn 2008 - 2010, trên địa bàn tỉnh chưa có trang trại chăn nuôi được công nhận kinh tế trang trại. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 11 trang trại chăn nuôi, trong đó có 8 trang trại nuôi lợn, 2 trang trại gia cầm và 1 trang trại chăn nuôi đại gia súc.

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh đạt trên 356.850 ha/413.514 ha đất lâm nghiệp, chiếm 86%, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 273.329 ha, diện tích rừng sản xuất là 83.520 ha. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 55,5% năm 2008 lên 73,4% vào năm 2020, đưa Bắc Kạn thành tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Trồng rừng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và triển khai có hiệu quả các chính sách bảo vệ, phát triển rừng nên từ năm 2008 đến năm 2020, diện tích trồng rừng bình quân đạt trên 6.502 ha/năm; công tác khoán bảo vệ rừng đạt 81.785 ha/năm; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đạt 44,992 ha/năm. Việc khai thác, sử dụng rừng đã có những chuyển biến tích cực, từ chỗ chỉ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chính sang khai thác, sử dụng gỗ rừng trồng. Đến năm 2020, khối lượng gỗ khai thác đạt 224.160m3, tổng giá trị lâm sản khai thác đạt trên 700 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị của lâm sản gỗ chiếm trên 80%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng dần giai đoạn 2008 - 2014. Giai đoạn 2015 - 2020, nuôi trồng thủy sản đã có bước phát triển, năng suất, sản lượng ngày càng cao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Bắc Kạn được nhiều người dân quan tâm, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Diện tích nuôi trồng bình quân trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.296 ha/năm, tăng 300 ha so với giai đoạn 2008 - 2014. Sản lượng bình quân năm 2020 đạt 2.511 tấn, phần lớn được nuôi theo phương thức quản canh và bán thâm canh, nuôi ghép, nuôi đơn loài… nhưng quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư thấp.

Bằng các nguồn vốn đầu tư, các công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; xây dựng hồ chứa nước ở vùng thường xuyên bị thiếu nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 2.415 công trình thủy lợi, bao gồm 34 hồ chứa; có 1.470 công trình đã được đầu tư kiên cố, còn lại 945 công trình tạm. Tổng số chiều dài kênh mương trên 2.328 km, trong đó được kiên cố hóa trên 1.041 km (chiếm 44,7%) phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và được phân cấp quản lý, khai thác tại Quyết định số 1043/QĐ-UBND ngày 21/6/2018 của UBND tỉnh, theo đó giao cho Công ty TNHH Một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn quản lý 389 công trình, các địa phương quản lý 2.026 công trình.../.  

Thanh Thuyên