PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng
Chiều 5/5, tại trụ sở UBND tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu 60 tỉnh, thành phố có rừng trên toàn quốc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ phá rừng, giảm 597 vụ so với cùng kỳ 2022; cả nước xảy ra 310 vụ cháy rừng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng. Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Các vụ cháy rừng xảy ra do ảnh hưởng của hiện tượng EL NINO, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng…

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị khẳng định, công tác quản lý bảo vệ và PCCCR trong thời gian vừa qua luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chủ trương, chính sách đối với công tác PCCCR tiếp tục được củng cố, tăng cường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, PCCCR được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý trong việc đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR. Nhận thức về vai trò của rừng trong đời sống xã hội, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương các cấp của các ngành và của xã hội ngày càng được nâng cao.

Công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng đã được quan tâm thực hiện; giải pháp chủ động ứng phó và xử lý khi cháy rừng xảy ra đã được một số địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC rừng rộng khắp trên phạm vi cả nước với nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền về PCCCR; công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là việc huy động các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, các tổ chức, cá nhân trong PCCCR được nâng cao…

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển, CPCCR thời gian qua còn một số khó khăn như rừng phân bố trên phạm vi rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ phát triển còn thấp so với bình quân chung cả nước; là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc ít người, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng, nên có những tác động lớn đến công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR. Do áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, đặc biệt là tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến, dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác rất lớn, nên tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản, lấy gỗ làm nhà còn diễn ra ở một số địa phương; bên cạnh đó một số hộ dân có đời sống gặp nhiều khó khăn, sinh kế chủ yếu là khai thác lợi dụng tài nguyên rừng, đất rừng. Phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác PCCCR còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu; chế độ, chính sách đối với lực lượng làm công tác PCCCR chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ được giao; kinh phí để chi trả công cho người tham gia chữa cháy rừng chưa thỏa đáng…

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc về thể chế trong việc quản lý, bảo vệ và PCCCR; chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; giải pháp để duy trì tỉ lệ che phủ rừng; việc bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường, không loại trừ khả năng có những đợt nắng hạn kéo dài. Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có cháy rừng lớn xảy ra; làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các địa phương về kinh phí thực hiện công tác PCCCR để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét; Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia kịp thời thông báo tình hình thời tiết cho các địa phương; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR.

Các địa phương chuẩn bị tốt cho công tác “bốn tại chỗ”, rà soát lại các kịch bản, phương án PCCCR trong tình thế thời tiết diễn biến phức tạp để có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR …./.

Hương Dịu