PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/11/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục
Thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các dịch vụ công, trong đó có dịch vụ giáo dục là một trong những nội dung quan trọng của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Đoàn viên thanh niên tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ, giúp người dân cài đặt, thanh toán không dùng tiền mặt

Căn cứ Đề án trên, Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2022 - 2025 đề ra mục tiêu: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục; chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số tại các điểm xã, phường, kết hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ người dân mở tài khoản, tạo mã thanh toán QR và quy trình thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công.

Các cơ quan chức năng, các địa phương tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia và Ngày chuyển đổi số Bắc Kạn; đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06)...

Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục có trụ sở tại các phường thuộc thành phố Bắc Kạn, các cơ sở giáo dục có trụ sở tại trung tâm các huyện chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện thu các khoản thu bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định; đồng thời khuyến khích các đơn vị còn lại phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện các khoản thu bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu các khoản thu bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản, lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động... tại cơ sở để phụ huynh, học sinh thực hiện thanh toán được dễ dàng, thuận lợi. Các cơ sở giáo dục cũng tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh thực hiện thanh toán các khoản thu bằng phương thức không dùng tiền mặt với nhiều hình thức phù hợp như phổ biến thông qua các cuộc họp phụ huynh, qua trang mạng xã hội Zalo để triển khai thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt đối với các khoản thu học phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định.

Việc thực hiện thu các khoản thu bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh và nhà trường, đã mang lại tiện ích cho các bậc phụ huynh, thuận lợi cho nhà trường trong việc theo dõi, tổng hợp, quản lý nguồn thu tài chính một cách chặt chẽ, minh bạch và tiến tới số hóa trường học, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục.  

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này có tổng số 73/289 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện hoàn toàn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, 111 cơ sở giáo dục kết hợp phương thức thanh toán tiền mặt và chuyển qua tài khoản, còn 24 cơ sở thực hiện hoàn toàn phương thức thanh toán tiền mặt.

Đối với Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã triển khai cụ thể chủ trương đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường; đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích học sinh, sinh viên thực hiện các khoản thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các chương trình, cuộc thi về chuyển đổi số để thúc đẩy các hoạt động công nghệ nói chung và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của nhà trường nói riêng. Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 80% các khoản thu và 94% các khoản chi. Nhà trường cũng vẫn thực hiện song song hình thức thu bằng tiền mặt đối với những học sinh, sinh viên chưa đăng ký sử dụng thẻ ngân hàng hoặc không sử dụng các dịch vụ chuyển tiền theo hình thức online.

Theo đánh giá chung, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi, tiện ích cho phụ huynh và nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng còn gặp một số khó khăn như một số phụ huynh khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ huynh lớn tuổi gặp nhiều trở ngại với các phương thức thanh toán không tiền mặt vì ít được tiếp xúc với các nền tảng công nghệ, vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, có tâm lý ngại thay đổi khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; một số phụ huynh lo ngại về vấn đề bảo mật khi phải liên kết tài khoản ngân hàng với ứng dụng mà trường đang sử dụng trong khi tội phạm công nghệ cao có thủ đoạn ngày càng tinh vi; một số phụ huynh có thu nhập thấp không muốn mở tài khoản để sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến, vẫn muốn sử dụng tiền mặt để không phát sinh các chi phí trong giao dịch...

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh mới đây, các cơ sở giáo dục, trường học khẩn trương phối hợp với các tố chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan triển khai việc thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; trang bị sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục. Bố trí tổ chức, cá nhân đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh, sinh viên và các đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí và các dịch vụ giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho người học và gia đình người học; tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán của cơ sở giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người học các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó khuyến khích triển khai hình thức thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện giao dịch, đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giao dịch thanh toán.../.

BH