PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tạo đồng thuận khi sáp nhập thôn, tổ dân phố
Trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm chi ngân sách, thời gian qua, toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố không đủ điều kiện về quy mô dân số. Những kết quả bước đầu là điều kiện để tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện sáp nhập

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quảHĐND tỉnh Bắc Kạn (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 21/NQ-HĐND và Nghị quyết số 97/NQ-HĐND về sáp nhập thôn, tổ dân phố; UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể về công tác tuyên truyền; trình tự, thủ tục miễn nhiệm, bầu, bổ nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; kiện toàn các chức danh ở thôn, tổ dân phố mới thành lập sau sáp nhập; hướng dẫn cụ thể về phương án sử dụng nhà họp thôn, bàn giao cơ sở vật chất và việc thực hiện chế độ chính sách đối với các chức danh ở thôn, tổ dân phố thực hiện sắp xếp, sáp nhập...

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và hướng dẫn của UBND tỉnh, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện 2 đợt sáp nhập. Các thôn, tổ dân phố hình thành sau sắp xếp dần được ổn định, các chức danh ở thôn, tổ khẩn trương được kiện toàn, chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách, người làm việc ở thôn, tổ và của Nhân dân được đảm bảo theo quy định.

Tại nhiều địa phương cho thấy, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đều được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc quyết liệt, tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật và thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận của Nhân dân.

Tại huyện Na Rì, qua triển khai thực hiện, huyện đã sáp nhập từ 22 thôn thành 10 thôn tại các xã Quang Phong, Xuân Dương và Văn Minh, trong đó, xã Quang Phong sáp nhập nhiều nhất là 12 thôn xuống còn 5 thôn. Do được tuyên truyền, hiểu được chính sách của Nhà nước, của tỉnh nên người dân đồng thuận thực hiện. Sau khi sáp nhập, số thôn của toàn huyện giảm từ 233 thôn xuống còn 222 thôn. Công tác kiện toàn bộ máy hoạt động của thôn cũng được huyện Na Rì quan tâm thực hiện, đảm bảo hợp lý và tạo sự đồng thuận cao. UBND các xã đã tiến hành kiện toàn các chức danh ở thôn theo quy định và hướng dẫn của UBND tỉnh. Các thôn sau sáp nhập đi vào hoạt động ổn định, các chức danh được đảm bảo theo quy định.

Việc triển khai thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được thực hiện thống nhất, cơ bản tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Sau 2 đợt sáp nhập, toàn tỉnh giảm được 129 thôn, tổ dân phố, tiểu khu (giảm từ 1.421 thôn, tổ còn 1.292 thôn, tổ). Qua đánh giá của các địa phương, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố giúp giảm số lượng thôn, giảm kinh phí chi cho các chức danh đồng thời tăng quy mô số hộ và nhân khẩu, tạo điều kiện cho việc lựa chọn nhân sự cho các chức danh, qua đó nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách của thôn. Việc tăng số đảng viên trong chi bộ, hội viên của các đoàn thể góp phần xóa chi bộ sinh hoạt ghép, chất lượng sinh hoạt đảng tốt hơn, các phong trào, hoạt động sôi nổi hơn. Bên cạnh đó, việc sáp nhập thôn đã góp phần huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, tránh sự dàn trải và lãng phí đầu tư.

Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, các địa phương còn gặp một số khó khăn, bất cập như khó khăn về khoảng cách địa lý giữa các thôn sáp nhập với nhau khá xa, sau sáp nhập thì địa bàn rộng. Bên cạnh đó, sự khác biệt về dân tộc, phong tục tập quán giữa các dân tộc sau sáp nhập cũng là vấn đề đặt ra. Nguồn lực đầu tư hạ tầng cho thôn, tổ sau sáp nhập, nhất là nhà văn hóa, đường giao thông kết nối còn hạn chế. Người dân phải thay đổi giấy tờ hành chính dẫn đến phát sinh thêm thủ tục cho cả người dân và cấp chính quyền. Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dôi dư sau sáp nhập cũng cần được tính toán chặt chẽ… Đây là những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trong giai đoạn tiếp theo.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu chung

Qua rà soát của các địa phương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 947 thôn, tổ dân phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn (thôn có dưới 75 hộ; tổ, tiểu khu có dưới 100 hộ) thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập theo quy định.


UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để quán triệt, triển khai, hướng dẫn
công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh năm 2024

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm từ những hạn chế còn tồn tại, Bắc Kạn đang triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024. Theo đó, tỉnh đề rõ các mốc thời gian thực hiện: Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố hoàn thành trước ngày 27/9/2024; xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố cấp xã hoàn thành trước ngày 25/10/2024; xây dựng đề án cấp huyện hoàn thành trước ngày 1/11/2024; đề án cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 15/11/2024. Tiến hành kiện toàn các tổ chức và thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập.

Sở Nội vụ đã hướng dẫn quy trình và hồ sơ sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024; kiện toàn các tổ chức và bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp, sáp nhập...

Các sở, ngành, địa phương đều thể hiện quyết tâm thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố. Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Hoàng Nguyễn Việt cho biết, huyện xác định việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trọng triển khai thực hiện. Hiện nay, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện năm 2024, thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các công văn chỉ đạo thực hiện sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố. Khó khăn đối với việc thực hiện nhiệm vụ này là nhiều thôn ở xa, khi sáp nhập trở nên quá rộng, hoặc nhiều thôn khác biệt về văn hóa nên khó khăn khi sắp xếp, sáp nhập.

Đây cũng là khó khăn đối với huyện Pác Nặm và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Huyện Pác Nặm hiện còn 76 thôn chưa đạt chuẩn. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Đào Duy Hưng, việc triển khai nhiệm vụ sẽ thực hiện theo lộ trình, cân nhắc hợp lý đảm bảo tạo thuận lợi và đồng thuận nhất trong dân.

Sau khi hoàn thành phương án tổng thể của các huyện, thành phố thì cấp xã sẽ lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập thôn, tổ. Điều người dân băn khoăn là sau khi sáp nhập, tên thôn, tổ dân phố thay đổi có ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ, chính sách, chương trình, dự án của thôn, tổ dân phố hay không? Theo Sở Nội vụ, thực hiện Công văn số 1303/UBDT-CSDT ngày 27/7/2023 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cấp xã, thôn hình thành sau sắp xếp trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thôn đang hưởng chế độ, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nếu sau sắp xếp thay đổi về tên gọi thì sử dụng tên gọi mới để thực hiện các chế độ, chính sách như trước khi sắp xếp. Các thôn đặc biệt khó khăn sau khi sắp xếp có sự thay đổi về tên nhưng không có sự tác động, ảnh hưởng đến quy mô diện tích, ranh giới của thôn thì sử dụng tên gọi mới để thực hiện các chế độ, chính sách như trước khi sắp xếp. Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư sau sắp xếp được thực hiện theo quy định hiện hành của Trung ương và của tỉnh.

Việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố để đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ ở cơ sở; đồng thời tạo thuận lợi để các thôn, tổ dân phố củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.

Hương Lan