PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nông, lâm nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh
Chiều 28/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn việc thực hiện các nội dung của Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phương Thị Thanh; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Lộc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Triệu Đức Văn. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; thường trực huyện ủy, thành ủy và lãnh đạo UBND, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế các huyện, thành phố cùng đại diện một số hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên động vật diễn biến khó lường nhưng lĩnh vực nông, lâm nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp. Sản phẩm trồng trọt đã dần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh; chăn nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm; việc lựa chọn giống cây trồng lâm nghiệp có chất lượng tốt, ứng dụng kỹ thuật vào trồng rừng đã nâng cao hiệu quả trồng rừng. Tỉnh đã chủ động triển khai, lồng ghép chính sách, nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai thực hiện tại các địa phương, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng và nâng cao giá trị cho sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh.

Sau gần 4 năm thực hiện, tốc độ phát triển bình quân ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt 3,66%/năm, vượt kế hoạch đề ra. An ninh lương thực được đảm bảo, lương thực có hạt bình quân đạt 551kg/người/năm, đạt 110,2% kế hoạch; diện tích chuyển đổi bình quân/năm thực hiện được 1.737 ha, đạt 109% kế hoạch; trên 1.280 ha diện tích lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ, đạt 120,79% kế hoạch; 174,5 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Lĩnh vực chăn nuôi có bước chuyển rõ rệt về cơ cấu, tổ chức, phương thức chăn nuôi, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô tập trung, chuyên biệt sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh trồng mới được 102.222 ha rừng, đạt 102% mục tiêu; thực hiện được 6 mô hình phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch; có 1 làng nghề được công nhận (làng nghề sản xuất Miến dong Côn Minh, huyện Na Rì).

Một số sản phẩm ngành hàng thuộc trục sản phẩm quốc gia như ngành hàng gỗ và chế biến lâm sản, dược liệu; các sản phẩm ngành hàng thuộc trục sản phẩm cấp tỉnh như các loại cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi, chè, miến dong; các sản phẩm OCOP ngành hàng tham gia trục sản phẩm OCOP phát triển cả về số lượng, chất lượng. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh có 218 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao, tăng 113 sản phẩm so với năm 2019; đặc biệt có 1 sản phẩm OCOP 5 sao trong số 42 sản phẩm đạt 5 sao của cả nước, 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Nhật Bản.

Hội nghị đã chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đó là một số cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu đề án; quy mô sản xuất còn tự phát, phân tán, nhỏ lẻ; diện tích cây trồng VietGap, hữu cơ, cấp mã vùng trồng còn thấp; phần lớn nông sản của tỉnh xuất dưới dạng thô, giá trị sản phẩm chưa cao; chưa quy hoạch được chi tiết vùng chăn nuôi tập trung tại các địa phương; số hợp tác xã phát triển về chăn nuôi còn hạn chế; một số chỉ tiêu về tỉa thưa rừng trồng, cấp chứng chỉ rừng FSC, sự liên kết giữa trồng rừng với chế biến lâm sản và thị trường tiêu thụ kết quả còn thấp; phát triển sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh…

Các đại biểu qua thảo luận, đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, làm rõ các chỉ tiêu chưa đạt với mức độ đạt hiện nay, những khó khăn trong quá trình thực hiện; trên cơ sở đánh giá các chỉ tiêu Đề án, làm rõ sự phù hợp của Đề án đối với định hướng phát triển nông nghiệp toàn quốc và định hướng phát triển của tỉnh, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp, kịp thời. Việc xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp cần thay đổi phương thức, cách thức thực hiện phù hợp với thị trường; thực hiện xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh đánh giá cao kết quả của Đề án với sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Trong đó, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt chỉ tiêu đề ra; tình hình an ninh lương thực đảm bảo, bình quân lương thực cao hơn; nhận thức của người dân đối với sản xuất nông, lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa; các ngành hàng, sản phẩm OCOP bước đầu có sự phát triển …

Đồng chí đã gợi mở một số vấn đề phát triển nông nghiệp trong thời gian tới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh như nghiên cứu khắc phục khó khăn trong thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC; phát huy lợi thế sản phẩm đặc hữu của địa phương; cùng với phát triển về số lượng, cần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; liên kết để phát triển sản xuất bền vững..

Về các giải pháp thực hiện, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các địa phương phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; ngành Nông nghiệp phát huy tốt vai trò tham mưu, quan tâm nâng cao năng lực gắn với trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp với các đơn vị liên quan…

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, đồng chí đề nghị ngành Nông nghiệp rà soát lại các kết quả thực hiện, nghiên cứu đề xuất nội dung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững phù hợp với định hướng của Chính phủ và thực tiễn tỉnh Bắc Kạn đưa vào Nghị quyết Đại hội để thực hiện trong nhiệm kỳ tới. /.

Hương Dịu