PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận nhiều nội dung quan trọng
Từ ngày 21/10 đến ngày 27/10, Quốc hội khóa XV bước vào đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, thảo luận các dự án luật và thực hiện công tác nhân sự... Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều ý kiến đóng góp tại Kỳ họp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ thảo luận số 12 

Trong tuần đầu Kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và các nội dung quan trọng khác.

Tham dự phiên thảo luận của Tổ đại biểu số 12 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội 4 tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 12.

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được trong 9 tháng năm 2024. Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý một số nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật những thành tựu đất nước ta đạt được trong năm 2024 - năm nước rút của Đại hội XIII. Tổng Bí thư cũng nêu ra nhiều trăn trở về phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với bảo vệ môi trường một cách hài hòa, cân bằng, bền vững. Đối với vấn đề về xã hội, Tổng Bí thư nêu thực trạng bệnh viện vẫn quá tải, trong khi có những công trình bệnh viện xây dựng với kinh phí đầu tư lớn nhưng nhiều năm vướng mắc không đưa vào sử dụng được.

Về giáo dục, "phải quan tâm ngay từ cơ sở; huy động sự vào cuộc chủ động của các cấp, ngành, địa phương chứ không chỉ trách nhiệm của ngành Giáo dục. Tình trạng lãng phí trong sử dụng đất, đầu tư công đặt ra, đòi hỏi cần xem lại chính sách, xem lại luật. Về giải ngân đầu tư công, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2024 nhưng nhiều cấp, ngành kêu “vướng”. Quy định đều do mình cả. Chính phủ vướng thì trao đổi với Quốc hội. Không đổ lỗi cho nhau và cũng không chờ đợi nhau được". Cùng với đó, đồng chí Tổng Bí thư còn đề cập đến các vấn đề về tình trạng lãng phí nguồn nhân lực; cần kích thích sức sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; đề ra lộ trình cụ thể cho từng năm để chớp lấy thời cơ phát triển, vươn mình đứng lên.

Tổng Bí thư khẳng định vai trò dẫn dắt, trụ cột, đột phá của hạ tầng năng lượng trong việc phát triển đất nước. Cần đề ra lộ trình, quan tâm đến quy hoạch, vận tải điện, sản xuất điện “sạch” nhằm thực hiện cam kết đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Luật Điện lực phải nhằm mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, điều hòa, quy hoạch phát triển phù hợp và phải đảm bảo điện sạch…

Về công tác nhân sự, trong tuần đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước. Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được bầu giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Cũng trong tuần đầu của Kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận về các dự án: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Dữ liệu; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng (sửa đổi)...

Trong phiên thảo luận tại Hội trường, góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Sỹ Huân quan tâm góp ý về các quy định liên quan đến hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cán bộ công đoàn.


Đại biểu Hà Sỹ Huân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có quy định tiêu chí xác định cụ thể, phù hợp của cấp công đoàn, đảm bảo khả thi và tính ổn định của pháp luật. Về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá việc thực hiện các quy định này theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua để xem xét luật hóa quy định này trong dự thảo Luật cho thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể hơn về bảo đảm điều kiện cho hoạt động công đoàn.

Quan tâm đến quyền lợi của cán bộ công đoàn không chuyên trách, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, quy định: “Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp” là chưa đảm bảo tính minh bạch và không thực sự phù hợp, bởi thành viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là người lao động do người sử dụng lao động tuyển dụng. Do đó, đề nghị bỏ quy định về ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và sửa quy định này thành: “Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp”.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ chủ thể thực hiện chi trả hỗ trợ bằng tiền cho cán bộ công đoàn không chuyên trách là công đoàn hay chủ doanh nghiệp trong “…Trường hợp không thể trở lại làm công việc cũ thì cán bộ công đoàn không chuyên trách được hỗ trợ tìm việc làm mới và trong thời gian gián đoạn việc làm được hỗ trợ bằng tiền theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” để việc thực hiện được thống nhất và rõ ràng trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần quy định tỷ lệ mức hỗ trợ bằng tiền trong dự thảo Luật.

Góp ý đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật. Phân tích các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về nội dung này cho phù hợp, đảm bảo thuận lợi, khả thi khi thực hiện.

Đối với quy định về thẩm quyền thực hiện ghi danh, ghi danh bổ sung, hủy bỏ ghi danh đối với di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, đại biểu nêu rõ các quy định còn chưa thống nhất về chủ thể có trách nhiệm thực hiện việc lập, trình hồ sơ trình và chủ thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền ghi danh, ghi danh bổ sung và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thống nhất để áp dụng khi Luật được ban hành. Quan tâm đến quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định các tiêu chí cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi khi thực hiện.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia thảo luận tại Tổ và đóng góp nhiều ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các dự thảo: Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dữ liệu, Luật Điện lực (sửa đổi).../.

Ái Vân - Hương Lan