Độ tương phản
Kết quả nổi bật trong công tác quy hoạch là tỉnh đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn trong năm 2023; hiện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt - Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể.
Đáng chú ý, trong năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc giai đoạn 2021 - 2030; Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, giai đoạn 2022 - 2030. Việc triển khai thực hiện các Đề án không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch bảo tồn…, hướng đến xây dựng Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ sớm trở thành các điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện sưu tầm hiện vật, bảo tồn, tu bổ di tích, danh thắng, lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tạo nên bức tranh đa sắc màu về các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ năm 2020 đến nay, thông qua các phương thức mua, bán, hiến tặng, tỉnh đã tổ chức sưu tầm được 593 hiện vật; đồng thời thông qua điều tra khảo cổ học đã bổ sung vào kho cơ sở 1.286 di vật đá.
Lễ hội Lồng tồng Ba Bể
Thông qua việc kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ khoa học di tích hằng năm, toàn tỉnh hiện có 120 di tích, bao gồm 78 di tích đã được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh và 42 di tích đã được kiểm kê nhưng chưa xếp hạng). Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 1 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam”; có 20 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 127 lễ hội, trong đó có 15 lễ hội truyền thống cấp huyện, xã; 85 lễ hội văn hóa (Hội xuân) cấp huyện, xã; 27 lễ hội văn hóa truyền thống cấp thôn (bao gồm lễ hội của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông).
Thời gian qua, từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã triển khai thực hiện các đề án, dự án về bảo tồn và phát huy di sản Then, hát Lượn cọi, Lượn Slương của người Tày; bảo tồn, phục dựng các lễ hội như Lễ hội Chợ tình Xuân Dương, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, Lễ hội Mù Là..., góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, đồng thời gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức thành công Tuần Văn hoá - Du lịch gắn với ngày hội múa Bát của dân tộc Tày với quy mô 1.000 người, đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức tôn vinh di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tạo ấn tượng sâu sắc trong Nhân dân và du khách.
Biểu diễn "Múa bát" tại Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn năm 2024
Thông qua triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 6 Câu lạc bộ hát Then - Đàn tính cấp xã (dân tộc Tày, Nùng), nâng tổng số Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính trong toàn tỉnh là 29; cùng với đó là hỗ trợ thành lập 24 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các Câu lạc bộ, Đội văn nghệ được duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trong cộng đồng.
Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống; phát triển hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hoá phi vật thể, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm riêng có tại địa phương. Làng nghề Miến dong Côn Minh, huyện Na Rì đã được công nhận đầu năm 2024, một số ngành nghề có tiềm năng đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận trong thời gian tới như Làng nghề men lá Khuổi Po, xã Sơn Thành, huyện Na Rì; Làng nghề sản xuất cơm lam, bánh gio, bánh củ chuối xã Hòa Mục và Làng nghề sản xuất Chè Shan tuyết xã Yên Hân thuộc huyện Chợ Mới. Hiện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các ngành nghề truyền thống như nghề đan lát, dệt thổ cẩm, các món ẩm thực dân tộc...
Mặc dù đã nỗ lực triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc gắn kết giữa bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, di sản văn hóa với phát triển du lịch chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; chưa khai thác, phát huy hết giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện có; việc bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ mới bắt đầu thực hiện và chưa đạt kết quả rõ nét; công tác bảo tồn được thực hiện tốt nhưng bản sắc văn hoá chưa thực sự đậm nét. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn kinh phí dành cho nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn hạn chế; đội ngũ cán bộ có chuyên môn về di sản văn hóa còn thiếu và yếu (chưa có cán bộ có trình độ sau đại học chuyên ngành về di sản văn hóa, bảo tàng); ở các huyện, thành phố hầu như chưa có cán bộ có chuyên ngành về di sản văn hoá...
Một số giải pháp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá và các di sản văn hoá phi vật thể, gắn kết với phát triển du lịch trong thời gian tới đó là cần xây dựng chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để huy động được mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch của từng địa phương, đơn vị. Chú trọng kết hợp các nguồn lực đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá lịch sử, trong đó sử dụng hiệu quả nguồn lực theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các công trình văn hóa, lịch sử trọng điểm; tiếp tục quan tâm xây dựng đời sống văn hóa ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở…/.
Hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước (03/01/2025)
Tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2024 (30/12/2024)
Triển khai nhiệm vụ công tác Đoàn năm 2025 (30/12/2024)
Chương trình nghệ thuật chào Xuân 2025 với chủ đề “Thanh âm mùa xuân” (29/12/2024)
Chợ Tết Công đoàn năm 2025 - Điểm đến mong đợi của người lao động (28/12/2024)