PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%
Tỉnh Bắc Kạn hiện đang tập trung triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” nhằm tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất, đảm bảo hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phát triển lành mạnh, hiệu quả.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh

Với mục tiêu đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, cơ quan báo chí trong tỉnh đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện các nội dung về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tích cực thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát được Bắc Kạn quan tâm triển khai theo hướng chuyển nhanh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát ngân hàng, nâng cao khả năng cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động, các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; giám sát thường xuyên diễn biến hoạt động ngân hàng và từng tổ chức tín dụng để phát hiện và cảnh báo kịp thời các rủi ro, vi phạm pháp luật.

Để thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, các chi nhánh tổ chức tín dụng tập trung đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm, thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhằm bảo đảm thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế thiệt hại cho các tổ chức tín dụng.

Các sở, ngành và cơ quan liên quan tăng cường phối hợp trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nhất là hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương để xử lý nợ xấu, các thủ tục liên quan đến pháp lý; tạo điều kiện để tổ chức tín dụng có thể xử lý nhanh tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Triển khai thực hiện Đề án, các chi nhánh tổ chức tín dụng có giải pháp xây phương án cơ cấu lại tổ chức, trong đó tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực xử lý nợ xấu đồng thời với việc phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh. Về lâu dài, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng; hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt… Đây được xác định là những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng./.

Hương Lan