PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII
Trong bối cảnh những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, giá cả nguyên vật liệu sản xuất, lạm phát gia tăng… đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, với sự quan tâm chỉ đạo điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nông lâm nghiệp vượt kế hoạch

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản đạt kết quả khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,8%, vượt kế hoạch đề ra. An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 551kg/người/năm, đạt 110,2% so với kế hoạch. Diện tích trồng rừng bình quân đạt 4.500 ha/năm, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 73,4%.


Lúa vụ xuân 2023 tại xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn

Đến hết năm 2022, tỉnh Bắc Kạn có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Bắc Kạn) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 42% kế hoạch; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 11% kế hoạch, có 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 30% kế hoạch; bình quân mỗi xã đạt 12,45 tiêu chí.

Chương trình OCOP đạt nhiều kết quả tích cực

Chương trình đã tạo sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, thúc đẩy ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng sản phẩm tham gia, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm 5 sao, 17 sản phẩm 4 sao, 163 sản phẩm 3 sao.

Công nghiệp đạt kết quả khá ấn tượng

Sản xuất công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua tiếp tục phục hồi và phát triển. Kết quả hoạt động của ngành đạt được khá ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp bình quân đạt 9,8%. Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, công nghiệp tăng trưởng 10%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 789.620 triệu đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển dịch từ công nghiệp khai khoáng sang công nghiệp chế biến.


Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao (Ảnh: Sản xuất tại Khu Công nghiệp Thanh Bình)

Để có được kết quả trên, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, đôn đốc các dự án công nghiệp triển khai đúng tiến độ. Các đơn vị thường xuyên kiểm tra, thăm nắm tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đánh giá tác động và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án.

Xây dựng cơ bản góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở

Trong hơn 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu 100% kế hoạch vốn hằng năm, thường xuyên rà soát, điều chỉnh để kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời tổ chức Hội nghị giao ban xây dựng cơ bản, tổ chức các đoàn kiểm tra tại các địa phương và công trình dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.  

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong hai năm 2021 - 2022 đạt 11.109 tỷ đồng. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 4.300 tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước hằng năm đạt bình quân 70%/năm. Tốc độ tăng trưởng khu vực xây dựng bình quân 5,3%/năm (mục tiêu Đại hội 7,5%/năm). Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.527 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch tiếp tục phát triển

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, có mức đóng góp cao nhất trong 3 ngành kinh tế, bình quân 2 năm tăng 5,07% (mục tiêu Đại hội là 7%) và là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.


Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (Ảnh: Dịch vụ du lịch tại khu vực hồ Ba Bể)

Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua nhìn chung ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng đều qua các năm. Các hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối, cung cấp thông tin các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả khá, là điểm sáng trong phát triển khu vực dịch vụ của tỉnh. Tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đạt 85%/năm, vượt xa so với mục tiêu Nghị quyết (10%/năm).

Về phát triển du lịch, trong những năm đầu nhiệm kỳ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới lượng khách du lịch đến tỉnh Bắc Kạn giảm mạnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phục hồi phát triển du lịch Bắc Kạn đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến du lịch trong tỉnh và tham gia các hội nghị tại các tỉnh trong nước, đồng thời từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tổng lượt khách du lịch đến Bắc Kạn năm 2021, 2022 đạt trên 500 nghìn lượt khách. Trong những tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch phục hồi nhanh, tính riêng 3 tháng đầu năm, tỉnh đón 430 nghìn lượt khách, đạt 56% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 301 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch năm. Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đón trên 600 nghìn lượt khách, tổng doanh thu ước đạt trên 400 tỷ đồng.

Quản lý điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm

Tỉnh thực hiện quản lý, điều hành ngân sách chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định và trong phạm vi dự toán được giao, đồng thời tăng cường các giải pháp thu và chống thất thu ngân sách.

Kết quả thu ngân sách trong năm 2021 và 2022 đạt khá, đảm bảo theo lộ trình đã đề ra. Thu ngân sách năm 2021 đạt 830 tỷ đồng, vượt 15% so với dự toán trung ương giao và 13% so với dự toán tỉnh giao; năm 2022 đạt 855 tỷ đồng vượt 13% so với dự toán trung ương giao và 4% so với dự toán tỉnh giao. Dự kiến thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 đạt 468 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch thu ngân sách cả năm. Nhìn chung thu ngân sách các năm đều vượt dự toán giao và tăng so với số thực hiện của năm 2020 (722 tỷ đồng) từ 15% - 18%; dự kiến đến năm 2025, thu ngân sách đạt 1.200 tỷ đồng vượt mục tiêu đề ra (1.100 tỷ đồng).

Công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục được quan tâm

Các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Trong hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ, cả tỉnh có trên 200 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là khoảng 1.200 doanh nghiệp. Có trên 134 hợp tác xã (HTX) đăng ký thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay là 339, với tổng vốn điều lệ trên 394 tỷ đồng và có 2.817 thành viên, trong đó có 235 HTX nông nghiệp, 104 HTX phi nông nghiệp; trong đó, HTX hoạt động khá, tốt chiếm 38%. Nhiều doanh nghiệp, HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn cho nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Xúc tiến đầu tư đi vào thực chất

Công tác xúc tiến, vận động đầu tư tiếp tục được quan tâm. Hằng năm, tỉnh xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chương trình xúc tiến đầu tư. Các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nghiên cứu và thực hiện dự án đầu tư vào tỉnh, trong hơn 2 năm, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký trên 3.100 tỷ đồng.

Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện

Tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tổ chức khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI); thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình
chủ trì gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2023

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đạt 62,26 điểm, tăng 11 bậc, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2022 đạt 65,15 điểm, tăng 13 bậc, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Kết quả này cho thấy nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động và phát triển.

Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến

Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo kế hoạch. Hằng năm, tỉnh chỉ đạo tổ chức dạy và học phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm duy trì đạt trên 97%, vượt kế hoạch đề ra.

Thời gian xảy ra dịch Covid-19, tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, từ công tác tiêm phòng đến cách ly, khám chữa bệnh theo hướng dẫn.

Công tác giảm nghèo tiếp tục được các ngành tích cực triển khai. Với nhiều giải pháp chính sách đồng bộ và sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 27,37% năm 2020 xuống còn 24,71% vào năm 2022 (giảm bình quân 2,07%/năm so với mục tiêu Đại hội đề ra là giảm từ 2 - 2,5%/năm).

Quốc phòng an ninh giữ vững

Công tác quốc phòng được triển khai đúng kế hoạch, hằng năm đã tổ chức lễ giao, nhận quân đạt 100% chỉ tiêu. Tỷ lệ tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm đạt 100%. Tỷ lệ khám phá án đạt trên 90%. Tai nạn giao thông trong hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

* * * * *

Theo báo cáo đánh giá, qua hai năm rưỡi thực hiện nhiệm vụ, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2021 - 2022 đạt 5,02%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản đạt 3,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 6,9%; khu vực dịch vụ đạt 5,07%. (Mục tiêu Đại hội: Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5 - 7%/năm, trong đó nông, lâm nghiệp tăng 3,5%; công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 9,6 - 9,8%; dịch vụ tăng 7,0%). GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 46,3 triệu đồng/người (mục tiêu Đại hội là 62 triệu đồng/người).

Tuy nhiên, còn một số ít chỉ tiêu đạt thấp, cụ thể như tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch ở cả 2 khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ; tiến độ thực hiện nông thôn mới chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của tỉnh chưa thực sự hiệu quả; Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh còn ở mức thấp...

Trong những năm tiếp theo, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước tiếp tục được tăng cường, giữ vững ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Bắc Kạn triển khai nhiệm vụ với quyết tâm cao, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tích cực triển khai các biện pháp phát triển kinh tế, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh dự báo tiếp tục ổn định và phát triển. UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Hương Lan