PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt gần 2.000 ha
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đối với những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chị Đinh Thị Noa bên vườn hoa cúc đang nở rộ

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gia đình chị Đinh Thị Noa, thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đã trồng hoa với diện tích 3.000 m2 trên đất ruộng. Mỗi năm, gia đình chị trồng 2 vụ hoa bắt đầu từ tháng 6 và trồng các loại hoa cúc là chủ yếu để phục vụ thị trường ngày rằm và mùng 1 với hình thức gối vụ (3 tháng/vụ) để có hoa xuất bán liên tục, bình quân mỗi vụ thu được hơn 20 triệu đồng. Theo chị Noa, so với trồng lúa thì trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều vì thời gian hoa cho thu hoạch ngắn ngày, không tốn quá nhiều công chăm sóc.

Dựa vào điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, người dân tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Thượng Giáo, Bành Trạch đã phát triển mạnh cây bí xanh thơm, không chỉ trồng trên vườn mà nay các hộ dân đã trồng bí xanh thơm xuống ruộng thay thế cây lúa vụ xuân. Anh Trương Văn Duân, thôn Bản Váng, xã Địa Linh cho biết, năm nay là năm thứ 3 gia đình anh chuyển đổi đất ruộng trồng lúa sang trồng bí xanh thơm vào vụ xuân. So với trồng lúa thì trồng bí xanh thơm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Với diện tích 2.000 m2, mỗi vụ trồng bí gia đình anh thu được khoảng 30 triệu đồng. Chính vì vậy, vụ thứ 3 này gia đình anh chỉ trồng lúa đủ phục vụ cho sinh hoạt gia đình, diện tích còn lại chuyển đổi sang trồng bí xanh thơm.

Năm 2022, toàn tỉnh có kế hoạch chuyển đổi mới cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 210,3 ha, trong đó cây trồng hằng năm 177,6 ha, cây trồng lâu năm 22,8 ha, kết hợp nuôi trồng thủy sản 9,9 ha; duy trì diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2018 - 2021 là 1.866 ha.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt và hướng dẫn quy định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến người dân. UBND các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện kế hoạch chuyển đổi đảm bảo đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và định hướng lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất. Đồng thời, dướng dẫn, chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị; phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 của tỉnh đạt 1.992,8 ha. Trong đó, duy trì diện tích đã chuyển đổi giai đoạn 2018 - 2021 là 1.820 ha, đạt 98% KH; chuyển đổi mới 172,8 ha, đạt 74% so với KH.

Trong tổng số 172,8 ha diện tích chuyển đổi mới năm 2022, phần lớn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm với 151,8 ha, chuyển đổi chủ yếu sang trồng cây rau màu. Một số diện tích cây trồng được chuyển đổi có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra như bí xanh thơm, mướp đắng rừng, thạch đen, cây dược liệu... Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm được các địa phương thực hiện với diện tích 8,1 ha, chủ yếu trồng cây ăn quả có khả năng tiêu thụ như cam, táo, hồng không hạt... Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 12,9 ha, chủ yếu là diện tích chủ động nguồn nước, người dân có khả năng đầu tư nuôi trồng thuỷ sản cho thu nhập cao hơn trồng lúa.

Anh Trương Văn Duân thôn Bản Váng, xã Địa Linh chăm sóc bí xanh thơm trồng trên ruộng
(ảnh chụp tháng 4/2022)

Thực tế sản xuất tại các địa phương cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc kết hợp với nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh kế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Cụ thể, trên đất canh tác 2 vụ lúa/năm cho thu nhập trung bình từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, khi chuyển đổi sang trồng cây hằng năm (cây rau màu, bí xanh thơm, cây dược liệu, thạch đen....) cho thu nhập từ 90 - 150 triệu đồng/ha/năm; nếu chuyển sang trồng cây lâu năm như trồng cây ăn quả (cam, quýt, thanh long... ) cho thu nhập trung bình từ 110 - 130 triệu đồng/ha/năm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Qua đó, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa của người dân, phục vụ mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, không duy trì được 100% diện tích đã chuyển đổi giai đoạn 2018 - 2021, diện tích chuyển đổi mới năm 2022 chỉ đạt 74% KH. Thực tế cho thấy, ngoài diện tích chuyển đổi sang trồng cây bí xanh thơm tạo sản lượng khá lớn cung cấp cho thị trường thì diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung dẫn đến sản lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề trong nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế.

Để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các cơ quan chuyên môn chủ động hướng dẫn, định hướng người sản xuất thực hiện những công thức luân canh phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực, đẩy mạnh sản xuất theo các chuỗi liên kết có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thực hiện chuyển đổi trên đất trồng lúa. Cùng với đó, chính quyền cơ sở tiếp tục thực hiện tốt các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện việc chuyển đổi đem lại hiệu quả, sản xuất bền vững…/.

Hương Dịu