PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chỉ thị 13-CT/TW). Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự chuyển biến tích cực. Các vụ việc phá rừng để khai thác gỗ quý hiếm, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên giảm rõ rệt. Nhân dân tích cực trồng rừng, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và góp phần tích cực bảo vệ môi trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai học tập, quán triệt tới các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ chỉ đạo đối với lĩnh vực lâm nghiệp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn thông qua việc ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/5/2017 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, ban hành các chương trình, kế hoạch và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, đơn vị.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa chính sách phát triển lâm nghiệp thông qua các nghị quyết, văn bản chỉ đạo cụ thể. Nghị quyết số 02-NQ/ĐH của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định mục tiêu: “Trồng mới 6.500 ha rừng/năm, nâng độ che phủ rừng lên 72%” và xác định nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng”.

Nghị quyết số 16-NQ/ĐH ngày 28/10/2020 của Đại Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu: “diện tích trồng rừng bình quân/năm đạt 3.500 ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%” và xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch”.

HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022 với 29 văn bản và triển khai một số chính sách lớn như Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025…

Tích cực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra rừng tại xã Cư Lễ (Na Rì)

Phát huy tiềm năng phát triển lâm nghiệp, giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh trồng được 37.169 ha rừng, trong đó có trên 20.075 ha rừng gỗ lớn. Chất lượng rừng trồng các năm đều sinh trưởng, phát triển tốt; qua đó tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần hoàn thành các mục tiêu nghị quyết, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35% cao nhất cả nước.

Cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã chủ động tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Từ năm 2017 đến năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 2.983 vụ vi phạm. Lực lượng chức năng đã lập 14 chuyên án đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; đã thụ lý, điều tra, xử lý 184 vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; hủy hoại rừng. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính 117 vụ. Mặc dù số vụ việc vẫn còn cao nhưng tính chất, mức độ của các vụ việc đã giảm dần, các vụ vi phạm chủ yếu là người dân phá rừng tự nhiên sản xuất có trữ lượng gỗ thấp hoặc không có trữ lượng để lấy đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng. Các vụ vi phạm được kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời nên diện tích thiệt hại nhỏ, không để xảy ra điểm nóng, kéo dài.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 17,4 ha (chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, rừng vầu…). Các vụ cháy rừng đã được ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại.

Giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn tỉnh có 16 công trình, dự án thuộc lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch có nhu cầu đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 185,052 ha; trong đó có 10 công trình, dự án được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Đến nay, các chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích 25,842 ha.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lớn song chủ yếu là rừng núi đá; người dân nơi đây đã sinh sống lâu đời, gắn bó với rừng từ trước khi thành lập các khu rừng đặc dụng, hầu hết đều có diện tích đất canh tác nông nghiệp rất ít, năng suất không cao và nhận được kinh phí từ khoán bảo vệ rừng thấp nên thu nhập không ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân, chủ rừng. 

Là tỉnh có độ che phủ rừng rất cao với phần lớn là rừng tự nhiên, do vậy, việc không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các chương trình, dự án đầu tư vào tỉnh. Hiện nay, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, việc chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác của các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (như các dự án trọng điểm, có chiếm dụng đất rừng lớn và trong đó có diện tích rừng tự nhiên,…) rất khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Để khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh về phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để phát huy hiệu quả kinh tế rừng.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác thu hút các nguồn lực đầu tư để đảm bảo phát triển rừng bền vững, rừng đa mục tiêu. Các ngành, địa phương thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh khảo sát công tác quản lý,
bảo vệ và phát triển rừng tại Vườn Quốc gia Ba Bể

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, đối với tỉnh Bắc Kạn, diện tích rừng tự nhiên lớn vô tình lại "bó buộc" chính quyền địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Hiện nay, hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, những diện tích rừng này không tập trung mà nằm xen kẽ, nhỏ, lẻ với các loại đất khác nên việc chuyển đổi qua nhiều thủ tục và kéo dài thời gian. Vì vậy, tỉnh đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng Đoàn Quốc hội xem xét, điều chỉnh nội dung tại Chỉ thị số 13-CT/TW “không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định)” và điều chỉnh khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 theo hướng mở cho phép các tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ rừng cao được thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sản xuất ở mức độ phù hợp và phân cấp thẩm quyền quyết định cho HĐND tỉnh, UBND cấp tỉnh để tạo điều kiện thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh Bắc Kạn cũng đã đề nghị Trung ương tăng mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ và rừng sản xuất, đồng thời có chính sách đặc thù với những tỉnh có diện tích đất rừng lớn như Bắc Kạn. Chính phủ sớm thực hiện đầy đủ các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; bổ sung biên chế lực lượng kiểm lâm, đồng thời quan tâm hơn đến các chế độ, chính sách ưu đãi đối với lực lượng kiểm lâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên…/.

Hương Dịu