PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động hàng hóa thiết yếu phục vụ vùng bị thiên tai, ngập lụt
Để chủ động trước diễn biến khó lường của nhiều hình thái thời tiết cực đoan, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, qua đó kịp thời đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của Nhân dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trên địa bàn tỉnh có 64 chợ truyền thống và 3 siêu thị đang hoạt động. Cùng với đó, các cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi tại thành phố Bắc Kạn và dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm thị trấn của các huyện ngày càng phát triển; nguồn hàng nhìn chung ổn định, giá cả cạnh tranh,… là những điều kiện thuận lợi cho việc dự trữ, phân bố hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đủ về số lượng, đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Sở Công Thương đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng phân phối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa vừa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho Nhân dân khi có sự cố thiên tai xảy ra, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát những địa bàn xung yếu, có nguy cơ cao bị chia cắt, ngập úng nặng khi mưa lũ xảy ra để thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ và xây dựng phương án cung ứng hàng hóa. Theo đó, nguồn hàng để cung ứng khi có thiên tai xảy ra được các doanh nghiệp cam kết đầy đủ về số lượng lẫn chất lượng, chủng loại hàng hóa và phương tiện giao hàng, đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có tình huống.


Siêu thị Winmart Bắc Kạn đã chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai

Theo thống kê của Sở Công Thương, đến thời điểm hiện tại, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã chuẩn bị dự trữ 3 nhóm hàng hóa cơ bản là lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Trong đó, lượng thóc, gạo hiện dự trữ tại các cửa hàng xay xát, đại lý thóc, gạo tại thành phố Bắc Kạn và địa bàn các huyện khoảng 300 - 350 tấn gạo tẻ, gạo nếp các loại. Về thực phẩm, các doanh nghiệp chuyên doanh thực phẩm, nông sản chế biến đã chuẩn bị một lượng lớn mì tôm, lương khô, nước uống đóng chai…

Nhóm các siêu thị BK Mart, Winmart Bắc Kạn; Trung tâm thương mại Wincom và các nhà phân phối, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Hùng BK; nhà phân phối Thảo Nghi; nhà phân phối Ngọc Cường… đã chủ động nhập tăng thêm số lượng hàng hóa trong mùa mưa bão. Tổng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ và kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 24.000 thùng mỳ ăn liền, phở gói, cháo gói các loại; 232 nghìn lít nước uống đóng chai; ngoài ra, trong trường hợp địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bị chia cắt, cô lập thì các đơn vị sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình tại các địa phương sẽ sử dụng phương án cung ứng tại chỗ…

Các đầu mối kinh doanh xăng, dầu như: Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn; Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Hà Nội Chi nhánh Bắc Kạn; Doanh nghiệp tư nhân Huấn Hòa; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thương mại PLI… cùng 109 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã chủ động bám sát nguồn hàng, cung cấp xăng dầu theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đủ chất lượng, số lượng, chủng loại và đúng kế hoạch cho các thương nhân là tổng đại lý, đại lý nhượng quyền thương mại, không để gián đoạn nguồn cung ứng. Khi các địa bàn bị cô lập do mưa bão, thiên tai thì nguồn xăng dầu mỗi cửa hàng cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của Nhân dân trong vùng. Ngoài ra, các mặt hàng khác như tấm lợp, xi măng, sắt thép, đinh vít, dây thép buộc, rọ sắt, lưới B40, tôn cũng được các doanh nghiệp tư nhân Đình Thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trần Toản, Chi nhánh Tôn hoa sen Bắc Kạn và hệ thống các cửa hàng vật liệu xây dựng ở các huyện, thành phố duy trì số lượng hàng hóa, cung ứng đầy đủ đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Các doanh nghiệp cũng lên phương án bảo quản ở kho hàng tại điểm kinh doanh và cung ứng khi có sự cố thiên tai xảy ra. Theo đó, các doanh nghiệp chủ động phân nhỏ lượng hàng dự trữ ở các kho khác nhau; gia cố đảm bảo an toàn, chống ngập lụt, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị vận chuyển trong trường hợp bão lũ xảy ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt ưu tiên khu vực vùng trũng, thấp dễ bị chia cắt đảm không để tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra trong mưa lũ.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát về giá cả, chất lượng hàng hóa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, toàn bộ kinh phí chuẩn bị nguồn hàng dự trữ năm nay đều do các doanh nghiệp tự nguyện chi trả bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị được Sở vận động tham gia dự trữ hàng hóa đã chuẩn bị nguồn hàng khá đầy đủ và đã có kế hoạch vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa bão. Về giá cả, các siêu thị luôn có các chương trình bình ổn giá, như khuyến mãi, giảm giá sâu, hỗ trợ giao hàng về nhà…, tùy từng thời điểm cụ thể để chủ động hỗ trợ người dân trong thiên tai. Hàng hóa dự trữ được đơn vị sử dụng và luân chuyển theo chu kỳ để đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.

Với sự chủ động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các cam kết dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý cũng như sự kiểm soát chặt chẽ về thị trường hàng hóa, các loại hàng hóa thiết yếu sẽ được cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, ứng cứu thiên tai và phục hồi sản xuất khi mùa mưa bão đang đến./.

Thu Cúc