PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên gia súc
Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò tái phát trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 5/2024. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc, các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đ/c Phạm Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể kiểm tra tình hình dịch bệnh VDNC tại xã Hà Hiệu

Bệnh VDNC tái phát đầu tiên tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn. Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngày 31/5/2024, đơn vị nhận được báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn về tình hình dịch bệnh trên đàn bò tại hộ ông Nguyễn Văn Quang, thôn Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc. Qua kiểm tra, tại hộ ông Nguyễn Văn Quang có 1 con bò đã chết, trọng lượng 180 kg; trước khi bò chết có triệu chứng như sốt, chảy nhiều nước mắt, mũi và nước bọt, da nổi nốt sần, đặc biệt ở vùng da cổ. Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bệnh VDNC và được Trung tâm Chuẩn đoán thú y Trung ương trả kết quả mẫu dương tính (+) với bệnh VDNC ngày 3/6/2024.

Sau thị trấn Nà Phặc, bệnh VDNC được phát hiện tại các xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể), Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) cùng ngày 10/6/2024. Đến ngày 3/7/2024, bệnh VDNC xảy ra tại 49 hộ, 17 thôn, 6 xã thuộc 2 huyện Ngân Sơn và Ba Bể làm 80 con bò mắc bệnh. Các xã, thị trấn có bệnh VDNC trên trâu, bò, gồm Nà Phặc, Trung Hòa, Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn); Hà Hiệu, Bành Trạch, Phúc Lộc (huyện Ba Bể) đều đã công bố dịch.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đang có dịch tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện và khai báo dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Khoanh vùng dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch hoặc thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch. Hướng dẫn người dân nuôi cách ly đối với đàn trâu, bò chưa mắc bệnh tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC; tổ chức tiêu hủy những trâu, bò bị chết do mắc bệnh VDNC; khẩn trương thực hiện tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch VDNC.

Các địa phương tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh.

Bê của một hộ ở xã Hà Hiệu mắc bệnh VDNC (Ảnh minh họa)

Qua theo dõi của ngành Thú y, từ ngày 29/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm địa phương xuất hiện bệnh VDNC. Trong số gia súc nhiễm bệnh, có 32 con đã điều trị khỏi, 44 con đang điều trị. Các địa phương xuất hiện VDNC tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch được 899 liều; trong đó huyện Ngân Sơn tiêm được 699 liều, Ba Bể tiêm được 200 liều.

Các địa phương chưa có dịch VDNC đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc mắc bệnh, nghi bị bệnh và báo cáo chính quyền địa phương đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC của cơ quan chuyên môn; thường xuyên khử trùng tiêu độc khu vực nuôi.../.

Hương Dịu