PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung này đang được tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai nhằm đảm bảo tiến độ và đạt được hiệu quả cao.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) được đầu tư xây dựng
từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) trước nay đi lại khó khăn, dốc cao, trơn trượt, không ít người dân đã bị ngã khi di chuyển trên tuyến đường này. Đó là sự ngăn trở lớn đối với người dân thôn Thôm Ưng, thôn đặc biệt khó khăn này.

Bằng nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi và cân đối ngân sách năm 2022, huyện Bạch Thông đã triển khai xây dựng tuyến đường liên thôn Bản Châng - Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh với chiều dài 3 km.

Bà Triệu Thị Pham, thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh chia sẻ: “Con đường bao năm đi lại khó khăn, vất vả mà trời mưa không thể đi lại được. Bà con buôn bán cũng khó khăn. Thế nên tôi mong muốn giải quyết được con đường này càng sớm càng tốt cho bà con được tiếp xúc với thế giới bên ngoài”.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh Đặng Quyết Chiến cho biết, theo lộ trình đến cuối năm 2024, Mỹ Thanh sẽ về đích nông thôn mới nên cần rất nhiều nguồn lực. Vì vậy, nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đóng vai trò quan trọng giúp địa phương tăng cường kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân. Để sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình MTQG, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các hội, đoàn thể, tuyên truyền và vận động người dân đồng hành trong quá trình thực hiện.

Những ngày này, nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Sẽ có thêm những cây cầu kiên cố bắc qua suối, thêm nhiều con đường bê tông liên thôn, liên xã và đường nội đồng được làm mới, nâng cấp và sửa chữa. Đây là “chìa khóa”, là động lực phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Bó Pia - một trong hai thôn khó khăn của xã Quảng Bạch (Chợ Đồn) với phần lớn là đồng bào Dao sinh sống. Thôn hiện có 57 hộ dân, một nửa trong số đó sinh sống bên kia suối, trước đây, người dân đều phải đi qua con đường mòn đất đỏ, lầy lội vào mùa mưa. Năm 2022, thôn được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào DTTS và miền núi để bê tông hóa đường nội thôn. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chung tay của bà con trong thôn, đường nội thôn có chiều dài 300 m đã sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.

Đối với Chợ Đồn, huyện được phân bổ hơn 23 tỷ đồng (vốn đầu tư và sự nghiệp) để thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống và sản xuất trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo kế hoạch, huyện sẽ triển khai 53 công trình trên địa bàn 16 xã, thị trấn; hiện có 26 công trình đã thi công xong, số còn lại đang được triển khai thi công. Tới đây, khi các công trình đầu tư hạ tầng hoàn thành tại các thôn đặc biệt khó khăn sẽ tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, từ đó nâng cao mức sống cho người dân.

Nhờ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã từng bước thu hẹp khoảng cách giữa vùng cao và vùng thấp, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2022, toàn tỉnh thực hiện đầu tư, xây dựng 249 công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó có 114 công trình giao thông nông thôn, 2 công trình cấp điện, 71 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình lớp học, 43 công trình thủy lợi, 8 công trình khác, 7 công trình đường giao thông liên xã và thực hiện duy tu bảo dưỡng 91 công trình trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tổng nguồn vốn được giao 150.823 triệu đồng. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện để sớm hoàn thành tiến độ và đưa vào sử dụng.

Từ việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn… Đạt được những kết quả đó, tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ kết hợp với phát huy thế mạnh của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn./.

Thu Trang