PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/02/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Các hợp tác xã tích cực liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân
Những năm gần đây, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tháng 11-12/2022, HTX Yến Dương cung ứng gần 20 tấn phân bón hữu cơ vi sinh cho các hộ tham gia thực hiện mô hình liên kết sản xuất dong riềng đỏ

Những ngày này, người dân thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể đang tích cực thu hoạch hành, tỏi vụ đông với diện tích hơn 1 ha. Đây là mô hình trồng hành, tỏi vụ đông đầu tiên được HTX Yến Dương liên kết với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam triển khai tại thôn Phiêng Phàng với sự tham gia của 12 hộ dân.

Thực hiện mô hình, HTX Yến Dương đã hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ; cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Chị Nông Thị Thúy, thôn Phiêng Phàng cho biết, mặc dù là lần đầu tiên đưa loại cây này vào sản xuất với quy mô hàng hóa, nhưng do có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên gia đình chị mạnh dạn tham gia với diện tích 2000 m2. Toàn bộ sản phẩm đều được HTX Yến Dương thu mua.

Theo chị Ma Thị Ninh - Giám đốc HTX Yến Dương, tại thôn Phiêng Phàng, ngoài bao tiêu hành, tỏi vụ đông 2022 này, HTX còn liên kết sản xuất và bao tiêu cho bà con trên địa bàn xã cùng các xã lân cận các sản phẩm khác như gạo Nếp Tài, miến dong tráng tay, bí xanh thơm. Riêng năm 2022, HTX đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con trồng bí xanh thơm 4 ha dong riềng đỏ; khoảng 30 ha bí xanh thơm với sản lượng trên 500 tấn bí; gần 20 tấn gạo Nếp Tài.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Bắc Kạn có 352 HTX, trong đó có 299 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Nhiều HTX nông nghiệp chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình hành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Đồng thời tạo lập được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong liên kết bao tiêu sản phẩm, qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

HTX Nông nghiệp Tân Thành thu mua củ nghệ cho bà con địa phương tại xưởng sản xuất 

Là một trong những HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hiện nay, sản phẩm chủ lực của HTX Nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn) là tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ, nghệ thái lát sấy khô. Theo chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành, để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, hằng năm, HTX bao tiêu khoảng 5.000 tấn củ nghệ cho người dân địa phương và các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì,Chợ Đồn, Chợ Mới.

Không chỉ HTX Yến Dương, HTX Nông nghiệp Tân Thành mà trên địa bàn tỉnh còn nhiều HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tích cực liên kết sản xuất với người dân. Thông qua liên kết sản xuất, quy mô, chất lượng sản phẩm của các HTX được nâng lên, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với khai thác các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Thực tế cho thấy, các HTX nông nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững./.

Hương Dịu