PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khẳng định tầm quan trọng của việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen
Trong cuộc gặp gỡ tại thủ đô Kiev, ngày 8/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi gia hạn thỏa thuận với Nga (hay còn gọi là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen) cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đi qua Biển Đen đang bị phong tỏa.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

 

Một điểm tập kết lúa mạch ở Ukraine (Ảnh:Reuters)

Tổng thống Ukraine cho biết ông và nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đã trao đổi về những biện pháp nhằm cải thiện tình hình cung cấp lương thực ra thế giới. “Chính sách chung của chúng tôi là tiếp tục hợp tác trong vấn đề hành lang ngũ cốc… Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào thời hạn ngày 18/3 tới cũng như các nỗ lực cho phép sử dụng tối đa hạ tầng xuất khẩu qua Biển Đen, dựa trên các mục tiêu mà sang kiến đã đề ra” – ông Zelensky nói.

Dưới vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 7/2022, Nga và Ukraine đã ký kết Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen giúp nối lại việc cung cấp lương thực và phân bón từ 2 nước này ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận đã được gia hạn vào tháng 11/2022 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/3 tới. Các số liệu thống kê cho thấy có khoảng 23 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu kể từ khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen phát huy hiệu lực, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận đã góp phần hạ nhiệt giá thực phẩm thế giới và cải thiện tình hình an ninh lương thực. “Các hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón từ Ukraine và Nga đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh lương thực và giá lương thực toàn cầu” – ông Guterres nói.

 Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Getty Image)

Theo dữ liệu từ Liên hợp quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được phần lớn các lô hàng ngũ cốc được xuất khẩu theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Trong khi một số lượng lúa mỳ do Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận đã được chế biến và tái xuất sang các nước như Iraq, Sudan hoặc bán cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và phân phối dưới hình thức viện trợ lương thực.

Ukraine và Nga sản xuất một lượng lớn ngũ cốc và phân bón trên thế giới, cùng nhau cung cấp khoảng 28% lượng lúa mì giao dịch toàn cầu và 75% dầu hướng dương vào thời điểm chưa bùng phát xung đột.

Tuy nhiên, cách đây ít lâu, Nga đã lên tiếng cảnh báo việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là "không phù hợp" trừ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của nước này được dỡ bỏ và các vấn đề liên quan khác được giải quyết. Theo lập luận của Moscow, hầu hết các chuyến hàng của Ukraine ra khơi theo thỏa thuận đã hướng đến châu Âu và các nước giàu khác, thay vì những nước ở châu Phi và châu Á vốn đang bị tác động nặng nề bởi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong khi Ukraine và các đồng minh lại cáo buộc Nga cố tình trì hoãn việc kiểm tra các tàu đến và đi từ các cảng ở Biển Đen làm cản trở hoạt động xuất khẩu và đẩy giá hàng hóa lên cao.

Trước bối cảnh trên, phó Phát ngôn viên Liên hợp quốc Fahan Haq, ngày 8/3, cho biết Tổng Thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) Rebeca Grynspan sẽ gặp gỡ các quan chức Nga tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần tới để thảo luận về việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. "Đó là bước tiếp theo, và chúng tôi sẽ cân nhắc về việc có cần hành động gì thêm nữa hay không…” – ông Fahan Haq nói; đồng thời khẳng định, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để loại bỏ những trở ngại đối với việc xuất khẩu phân bón của Nga -  một vấn đề mà Moscow luôn yêu cầu ưu tiên giải quyết để chấp thuận gia hạn thỏa thuận./.

Theo dangcongsan.vn