PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Na Rì phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội
Na Rì được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có bản sắc văn hóa độc đáo, hệ thống đường giao thông thuận lợi… Tất cả đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Na Rì có diện tích tự nhiên hơn 85.300 ha, chiếm 17,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Địa phương có hệ thống đường giao thông thuận lợi với đường trục 256 qua xã Trần Phú sang huyện Chợ Mới; Quốc lộ 279 nối huyện Na Rì với tỉnh Lạng Sơn và Tuyên Quang; Quốc lộ 3B thông thương trực tiếp đến cửa khẩu Pò Mã, tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, hệ thống giao thông của huyện đã và đang được cải tạo, nâng cấp, đầu tư hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, thông thương hàng hoá; 100% các xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm, đây là cơ sở thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và trao đổi hàng hóa, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương trong huyện và với các tỉnh lân cận.

Không chỉ vậy, Na Rì còn được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm mát mẻ, đất đai tươi tốt, phì nhiêu, phù hợp cho sự phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dong giềng, thuốc lá, khoai môn, ngô, cây cam, quýt, hồi… Ngoài ra, huyện có diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn với nhiều loại gỗ quý hiếm và các loại cây dược liệu có giá trị cao.

Dong riềng là một trong những cây trồng thế mạnh của Na Rì 
(Ảnh: Cuộc thi đào củ dong riềng của các hộ dân đại diện các thôn tham gia Dự án trồng dong riềng
 tại xã Cư Lễ)

Tận dụng những thế mạnh về nông, lâm nghiệp, những năm qua, huyện thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án khoa học và các nguồn vốn khác để phát triển cây hồng không hạt, dong riềng, cam, quýt, dược liệu, hướng tới phát triển các cây trồng chủ lực của huyện thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài ra, huyện quan tâm, khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản. Tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã trồng được hơn 218 ha rừng.

Bên cạnh đó, chăn nuôi đại gia súc cũng là thế mạnh của địa phương, trong thời gian qua, huyện đã vận động Nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo quy mô trang trại, gia trại, khuyến khích liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đang thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia để củng cố và phát triển mô hình chăn nuôi ngựa bạch tại các xã Sơn Thành, Kim Lư, Lương Thượng và Văn Vũ. Hiện nay, tổng đàn vật nuôi của huyện có 6.322 con trâu, bò, ngựa; 2.645 con dê; 320.721 con gia cầm và hơn 346 ha diện tích thủy sản…

Từ đầu năm đến nay, Na Rì thành lập được 2 hợp tác xã. Ngày 1/5/2024, UBND huyện đã tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận Làng nghề miến dong xã Côn Minh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 28 sản phẩm của 23 chủ thể được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 27 sản phẩm 3 sao.

Cùng với tiềm năng phát triển kinh tế, Na Rì còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Huyện có nhiều di tích lịch sử quan trọng như di tích Pò Kép ở xã Văn Vũ - nơi đồng chí Phùng Chí Kiên mưu trí vượt vòng vây địch; di tích Nha Na Rì tại thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương là nơi thực dân Pháp đặt châu lị Na Rì, đến năm 1945, chính quyền huyện cũng đặt tại đây; thôn Nà Hán thuộc xã Văn Minh là nơi thành lập Huyện ủy và chính quyền cách mạng Na Rì trong những năm 1945 - 1947…

Na Rì cũng được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, say mê lòng người như động Nàng Tiên, thác Nà Cà ở xã Đổng Xá, động Lũng Danh ở xã Liêm Thủy, hệ sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Chợ đêm Phố Cổ gắn với tuyến phố đi bộ tại thị trấn Yến Lạc…

Chủ tịch UBND huyện Na Rì Nguyễn Ngọc Cương cho biết, huyện có nhiều nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Tiêu biểu như các lễ hội của đồng bào Tày xã Sơn Thành, đồng bào Mông ở thôn Khuổi Nộc (xã Lương Thượng), đồng bào Dao ở thôn Nà Thác (xã Đổng Xá), đặc biệt là lễ hội Chợ tình Xuân Dương của đồng bào Nùng ở khu vực các xã lân cận đã thu hút được đông đảo Nhân dân hưởng ứng tham gia.

Xác định những nét đặc sắc trong văn hóa các dân tộc là một trong những tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Na Rì rất quan tâm để khôi phục, gìn giữ và phát huy những đặc sắc trong văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương - Chủ tịch UBND huyện Na Rì nhấn mạnh thêm. 

Hiện nay, huyện Na Rì đang tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học để phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập. Tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến gỗ, nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao; trồng xen kẽ rừng và các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Quy hoạch vùng trồng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến tập trung tại các xã Đổng Xá, Quang Phong, Liêm Thủy, Xuân Dương, Dương Sơn, Trần Phú, Văn Minh, Sơn Thành, Kim Lư, Văn Vũ,… hình thành vùng khu chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tại xã Trần Phú, Kim Lư.

Song song với đó, huyện đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phân vùng phát triển cây cam tại các xã Cư Lễ, Văn Minh, Sơn Thành, Văn Vũ, Kim Lư, Cường Lợi, thị trấn Yến Lạc; vùng phát triển hồng không hạt tại các xã Văn Lang, Sơn Thành, Văn Vũ, Cường Lợi, Kim Lư, Cư Lễ, Trần Phú, Văn Minh, thị trấn Yến Lạc. Duy trì diện tích trồng cây chè hiện có tại các xã như Kim Lư, Côn Minh, Đổng Xá. Phấn đấu duy trì ổn định diện tích trồng dong riềng; phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh theo mô hình chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa, chăn nuôi nông hộ…/.

Ngọc Tú