PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thành phố Bắc Kạn: Phát triển rừng bền vững gắn với tạo sinh kế ổn định cho người dân
Thời gian qua, thành phố Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, phát triển rừng theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Người dân phường Xuất Hóa chăm sóc rừng

Để triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND xã, phường trực tiếp thực hiện việc giao khoán và hỗ trợ bảo vệ rừng, đối tượng được nhận khoán là cộng đồng dân cư, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn; tổng diện tích thực hiện đến hết năm 2023 là 1.607,25 ha. Thông qua nhận khoán, bảo vệ rừng, nhiều hộ dân còn có thêm việc làm từ phát triển trồng trọt, chăn nuôi dưới tán rừng.

Bà Nông Thanh Hảo - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố cho biết, lực lượng Kiểm lâm thời gian qua đã chủ động phối hợp với các ngành, UBND các xã, phường tuyên truyền đến các thôn, tổ trên địa bàn, đặc biệt tập trung vào các khu vực nhiều rừng, lâm sản có giá trị; chỉ tính riêng trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp tổ chức được 54 cuộc tuyên truyền, thu hút 3.234 lượt người tham gia; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, không xảy ra các vụ việc có tính chất mức độ nghiêm trọng, điểm nóng về khai thác, phá rừng trái pháp luật.

Cùng với bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố quan tâm đẩy mạnh, nhờ vậy, kết quả trồng rừng hằng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Đến nay, thành phố đã trồng rừng mới được 5.149,24 ha, trong đó hơn 4.599 ha thành rừng. Nhiều chủ rừng có thu nhập tốt từ trồng rừng, một số chủ rừng đã chủ động trồng cây đa mục đích.

Đơn cử như tại xã Nông Thượng, cây quế được người dân đưa vào trồng từ cuối những năm 1990. Đến nay, toàn xã có khoảng 300 ha quế, tập trung nhiều tại các thôn Tân Thành, Nà Kẹn, Nà Vịt, Khuổi Chang. Với giá tiêu thụ bình quân 22.000 đồng/kg vỏ quế, cây quế giúp người dân có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/hộ/năm. Cây quế đã trở thành cây lâm nghiệp chủ lực, giúp người dân có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu. Ông Phượng Văn Tình, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thành, xã Nông Thượng khẳng định “Cây quế là cây có giá trị cao nhất vì bán từ lá, cành, thân, không bỏ thứ gì. Giá trị 1cây/ha, 4 năm tỉa lá đợt 1; 6 năm tỉa lá đợt 2; 8 năm bắt đầu được tỉa gỗ. Đến khoảng 20 năm thì giá trị 1 cây quế là khoảng 3 triệu đồng trở lên”.

Tại phường Xuất Hóa, nhằm khuyến khích người dân phát huy tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, những năm qua, phường cũng đã tranh thủ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân. Trong đó, thông qua các chương trình, dự án như dự án trồng cây phân tán, dự án Honda, dự án trồng rừng thay thế… đã có hàng trăm hộ dân được hỗ trợ giống cây và công chăm sóc để phát triển kinh tế rừng.

Thành phố Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên hơn 13.700 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 83,5%. Toàn bộ diện tích rừng và đất rừng đã được quy hoạch theo chức năng 3 loại. Những năm gần đây, cùng với các giải pháp như vận động, tuyên truyền, hỗ trợ cây giống càng giúp người dân nhận thức rõ lợi ích từ trồng rừng mang lại. Vì vậy, nhiều hộ dân chủ động bỏ vốn đầu tư trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu về chế biến gỗ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đồng thời góp phần nâng độ che phủ rừng của thành phố đạt 65,62%.

Thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể thành phố xác định tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, phát triển lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, đất rừng, nhất là đối với các dự án phát triển lâm nghiệp đang triển khai thiếu hiệu quả và diện tích đất lâm nghiệp đưa ra ngoài 3 loại rừng để tạo thuận lợi phát triển sinh kế cho người dân. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển rừng trên địa bàn. Đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động, dự án có sự tham gia của cộng đồng như giao khoán bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình dự án trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế; hỗ trợ phát triển các dự án nâng cao sinh kế cho người dân sống gần rừng mà không làm tổn thương nguồn lực rừng.../.

Thu Cúc