PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm phát triển khoa học, công nghệ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm phát triển, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỉnh đã triển khai đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; quan tâm đúng mức nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông lâm nghiệp, chế biến nông sản, y dược, bảo vệ môi trường. Các chương trình, đề tài, dự án cơ bản tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết, tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp liên quan trực tiếp tới các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi (phục tráng lúa nếp đặc sản; đánh giá thực trạng các giống quýt trên địa bàn tỉnh; thâm canh và nhân giống hồng không hạt Na Rì; sản xuất giống và chăn nuôi thương phẩm vịt bầu cổ xanh; tuyển chọn và nhân giống trám đen; phục tráng giống bí thơm Ba Bể...). Đồng thời tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển các sản phẩm của trục sản phẩm quốc gia (ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng rừng gỗ lớn; xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp dược liệu giảm thiểu xói mòn, bồi lấp lòng hồ Ba Bể) và các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương (chè, hồng không hạt,…).


Hội đồng tư vấn tuyển chọn đơn vị thực hiện Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất,
chất lượng cây hồi tại tỉnh Bắc Kạn" 

Những năm gần đây, tỉnh cũng đã tăng cường phối hợp, hợp tác với nhiều đơn vị ở Trung ương như: Viện Nghiên cứu phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Khoa học Thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Viện Nghiên cứu rau quả … để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực.


Nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần giảm nghèo hiệu quả
(Ảnh: Sản phẩm dưa lưới của HTX Dương Quang, thành phố Bắc Kạn)

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, song từ năm 2020 đến năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã cân đối, bố trí gần 38 tỷ đồng để triển khai thực hiện 47 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 45 nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh, 2 nhiệm vụ cấp quốc gia; bố trí trên 7 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (đầu tư trang thiết bị cho 1 phòng nuôi cấy mô, 1 phòng nhân giống nấm, 1 phòng Vilas 380, cùng với đó là đầu tư hạ tầng thông tin, thống kê khoa học và công nghệ...).

Tỉnh đã quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, quy định làm cơ sở, tạo hành lang pháp lý phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương; quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tổ chức khoa học và công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đang hoạt động, trong đó có 2 tổ chức khoa học và công nghệ công lập (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) và 1 tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập (Trung tâm Chuyển đổi số Kim Nam Bắc Kạn).

Tỉnh cũng đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm... Đến thời điểm này, tỉnh duy trì và phát triển Chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn, nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn, Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo bao thai Chợ Đồn, đồng thời đã xây dựng và được cấp mới Nhãn hiệu tập thể Chè Shan tuyết Bằng Phúc; nhờ đó, các sản phẩm đặc sản của địa phương đã được quảng bá rộng rãi, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công từng bước hoạt động hiệu quả. Hệ thống tiêu chuẩn các cấp như TCVN, tiêu chuẩn cơ sở được cập nhật thường xuyên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý và nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc áp dụng vào sản xuất kinh doanh.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai hiệu quả đã đóng góp tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, tạo đà ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước tạo vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Đình Điệp, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song hoạt động phát triển khoa học công nghệ của tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, trung bình đầu tư cho khoa học và công nghệ ở địa phương mới chỉ đạt 0,4 - 0,5% so với tổng chi ngân sách hằng năm trong khi quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 phải từ 2% trở lên; đặc biệt, chi đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; chưa có kinh phí duy trì nhân rộng các đề tài, dự án có hiệu quả. Kết quả một số đề tài, dự án, chương trình khoa học và công nghệ nhân rộng vào thực tiễn gặp khó khăn, bất cập do thiếu cơ chế, nguồn lực đầu tư. Các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn. Số lượng các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, dịch vụ khoa học và công nghệ chưa phát triển, các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tại địa phương còn ít, nguồn thu từ dịch vụ khoa học và công nghệ thấp nên khả năng tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm, hàng hoá. Việc xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư nhân rộng kết quả sau nghiên cứu còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư nhân rộng...

Thực hiện Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, năm 2023, tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao, các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án "Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035".

Đồng thời tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị để tăng cường cho hoạt động đo lường, thử nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phù hợp với định hướng phát triển, đặc biệt quan tâm phát triển, nâng cao năng lực của tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.../.

Bích Huệ