PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Công tác chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, chăn nuôi lợn có sự phát triển vượt trội hơn so với các vật nuôi khác về quy mô, số lượng, thu hút được nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào chăn nuôi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững chăn nuôi lợn, tỉnh Bắc Kạn còn gặp không ít khó khăn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời gian qua, cùng với chăn nuôi trâu, bò, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn, coi đó là ngành hàng tham gia trục sản phẩm cấp tỉnh. Thông qua chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi được ban hành, cộng với sự hỗ trợ từ các nguồn lực thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, chăn nuôi lợn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển biến tích cực trong chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thể hiện qua số lượng các dự án chăn nuôi được phê duyệt chủ trương đầu tư; sự thay đổi lớn về cơ cấu, tổ chức chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi theo quy mô tập trung, chuyên biệt sản xuất hàng hóa, đặc biệt, liên kết trong chăn nuôi được cải thiện cả về chiều dọc giữa các cơ sở sản xuất với các đơn vị cung ứng vật tư chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm; liên kết ngang giữa các hộ, cơ sở chăn nuôi với nhau thông qua việc thành lập các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; chuồng trại được xây dựng với các trang thiết bị hiện đại; chăn nuôi theo quy trình, quy chuẩn; công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện... đã từng bước nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 16 dự án chăn nuôi lợn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức vốn đăng ký đầu tư 1.721 tỷ đồng; có khoảng 30 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ, vừa của các hợp tác xã và tư nhân đang đầu tư. Đến cuối năm 2022, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 168.645 con; số con xuất chuồng 220.335 con; sản lượng thịt lợn hơi đạt 14.531 tấn, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021; tính riêng tổng đàn lợn thuộc các trang trại của các doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm khoảng gần 20% tổng đàn lợn toàn tỉnh.

Chăn nuôi lợn đen bản địa tại HTX Trần Phú (huyện Na Nì)

Ông Trần Công Hòa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 16 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 5 dự án đã hoàn thành và đi vào sản xuất với quy mô chăn nuôi khoảng hơn 3.000 con lợn nái và 29.000 con lợn thịt/năm. Các dự án chăn nuôi lợn sau khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương và doanh thu cho các doanh nghiệp, góp phần gia tăng tổng đàn và sản lượng thịt lợn, số con xuất bán, giết mổ của tỉnh.

Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn, đó là dư địa mật độ chăn nuôi bình quân chung của tỉnh còn rất thấp so với diện tích đất nông nghiệp; điều kiện vị trí thuận lợi khi ở trung tâm của vùng Đông Bắc, giao thông thuận tiện cho sản xuất, chế biến và phát triển các dịch vụ phụ trợ; nguồn lao động dồi dào...

Dự báo trong thời gian tới, chăn nuôi lợn có chiều hướng phát triển tích cực và có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các dự án chăn nuôi lớn của các doanh nghiệp được phê duyệt đầu tư có cam kết thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, việc phát triển chăn nuôi lợn của tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết vùng chăn nuôi tập trung để các chủ đầu tư chủ động trong việc lựa chọn địa điểm thực hiện các dự án chăn nuôi; thị trường, giá cả sản phẩm đầu ra không ổn định; giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; việc chế biến sâu sản phẩm từ thịt lợn chưa phát triển, chủ yếu là xuất bán nguyên con nên giá trị gia tăng của sản phẩm thịt lợn không cao; nguồn lực, năng lực đầu tư, hệ thống dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chăn nuôi lợn còn hạn chế. Các dự án chăn nuôi lợn đòi hỏi quỹ đất khá lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường (môi trường đất, môi trường nước, không khí), trong khi nhiều dự án được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ, được hưởng ưu đãi đầu tư về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ nên đóng góp cho ngân sách địa phương không đáng kể. Mặt khác, tại các dự án trang trại lợn đang hoạt động sản xuất đều không sử dụng thức ăn chăn nuôi có thể trồng, chế biến tại địa phương; phần lớn sử dụng lao động là người ngoài tỉnh, do lao động địa phương chưa được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp...

Hiện nay, các cấp, các ngành chuyên môn đang tích cực triển khai các giải pháp để tận dụng tiềm năng và các lợi thế của tỉnh, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.

Hương Dịu