PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/11/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tỉa thưa rừng trồng nâng cao hiệu quả kinh tế
Trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân đã và đang thực hiện việc tỉa thưa rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, quản lý rừng bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Rừng keo sau tỉa thưa tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới đang phát triển rất tốt

Hiệu quả từ mô hình Dự án KfW8 tại Chợ Mới

Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (KfW8) do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức từ năm 2016 - 2022 với mục tiêu nhằm cải thiện năng lực quản lý rừng, chú trọng gia tăng giá trị đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái rừng (bao gồm môi trường sống, bảo vệ tài nguyên đất và nước), hiệu quả kinh tế thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Dự án đang thực hiện tại huyện Chợ Mới và Ngân Sơn.

Tại huyện Chợ Mới, Dự án cải thiện phương thức quản lý rừng keo (có nguồn gốc từ hạt) nhằm nâng cao giá trị rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân thông qua hoạt động quản lý lâm sinh phù hợp (tỉa thưa 100% và trồng cây bản địa dưới tán 20% diện tích tham gia Dự án), quy mô thực hiện khoảng 2.100 ha.

Tham gia Dự án là những lô rừng keo có nguồn gốc trồng từ hạt 2 - 4 tuổi; mật độ cây khi tham gia phải từ 1.000 cây/ha trở lên; phải có trên 40% số cây trong lô đạt chất lượng tốt, là những cây có thể chuyển hóa thành cây gỗ lớn (thân thẳng, tán đều, không chia cành dưới 4 m, không sâu bệnh…). Dự án tiến hành tỉa thưa lần 1 khi rừng keo 4 tuổi; hỗ trợ người dân một số loài cây bản địa như lim xanh, giổi xanh, trám trắng để trồng vào 20% diện tích lô rừng sau tỉa thưa lần 1, tương đương 417 cây/ha; tỉa thưa lần 2 khi rừng keo 8 tuổi; khai thác khi rừng keo 12 tuổi. Dự án hỗ trợ quá trình chăm sóc và tỉa thưa rừng trồng 9.650.000 đồng/ha.

Có những cây phát triển nhanh, cô Viên đo vòng quanh thân đã gần 5 gang tay 

Gia đình cô Nông Thị Viên, thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh tham gia Dự án 10 ha, hiện nay, rừng keo đang ở tuổi thứ 9. Cô Viên cho biết, trước khi tham gia Dự án, rừng keo của cô trồng với mật độ dày cùng với những gốc cây phát triển tự nhiên thì khoảng 2500 cây/ha, rất nhiều cây keo chất lượng thấp, bị cong và sâu bệnh. Thực hiện Dự án, gia đình cô được hướng dẫn tỉ mỉ về quy trình kỹ thuật tỉa thưa rừng keo, được hỗ trợ trồng cây bản địa dưới tán rừng. Rừng keo của cô đã trải qua 2 lần tỉa thưa và trồng cây lim xanh sau tỉa thưa lần 1, hiện cây đang phát triển rất tốt. Mặc dù chưa khai thác trắng nhưng đến thời điểm hiện tại, cô nhận thấy rừng keo thực hiện tỉa thưa theo Dự án KfW8 mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những lô không thực hiện tỉa thưa vì cho sản lượng gỗ lớn.  

Theo tính toán của cô Viên, nếu gia đình không thực hiện dự án, 12 năm sẽ thực hiện trồng 2 chu kỳ keo. Mỗi chu kỳ, giá trị thu hoạch đạt 65 - 70 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lại khoảng 35 triệu đồng/ha; sau 12 năm, với 10 ha, gia đình cô thu được khoảng 700 triệu đồng. Thực hiện tỉa thưa rừng keo theo Dự án KfW8, sau 2 lần tỉa thưa, gia đình cô đã thu được 20 triệu/ha (sau khi trừ mọi chi phí), sau 3 năm nữa khi khai thác trắng, chắc chắn thu được khoảng 300 triệu/ha. Như vậy, với 10 ha keo tỉa thưa thành rừng gỗ lớn sau 12 năm, gia đình cô sẽ thu về hơn 3 tỷ đồng. Nếu được cấp chứng chỉ FSC thì giá trị rừng keo của cô sẽ còn cao hơn nữa. Ngoài ra, sau khi rừng keo được khai thác trắng thì những cây lim, dổi sẽ phát triển nhanh hơn và mang lại thêm giá trị kinh tế rừng.

Cũng tham gia Dự án KfW8, gia đình cô Tạ Thị Vân thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh thực hiện tỉa thưa rừng keo với diện tích 7 ha; đã thực hiện tỉa thưa xong lần đầu được 4 ha, được cấp cây bản địa trồng dưới tán rừng. Theo đánh giá của cô Vân, rừng keo sau tỉa thưa phát triển rất tốt, cây lớn rất nhanh, đến chu kỳ khai thác (đủ 12 năm) chắc chắn sẽ cho sản lượng gỗ lớn.

Ông Nguyễn Mỹ Hải - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù hiện nay, các lô rừng keo thực hiện theo Dự án KfW8 tại huyện Chợ Mới chưa đến kỳ khai thác nhưng thực tế cho thấy, sau tỉa thưa, cây keo hạn chế được sâu bệnh, sinh trưởng nhanh hơn, có trữ lượng gấp đôi so với rừng keo không được tỉa thưa. Cây keo chất lượng tốt hơn do trong quá trình tỉa thưa đã loại bớt những cây chất lượng kém, đường kính cây tăng lên nên tỉ lệ hỗ lõi cao hơn. Sản lượng gỗ nhiều hơn, rừng keo 7 - 8 tuổi đã được tỉa thưa cho sản lượng gỗ khoảng 80 - 100 m3/ha, gấp đôi so với rừng keo cùng tuổi không tiến hành tỉa thưa, nếu để đến năm 12 tuổi thì dự kiến sản lượng đạt trên 200 m3/ha. Rừng keo tỉa thưa cây có kích cỡ lớn hơn (có thể xẻ gỗ) nên giá trị bán được sẽ cao hơn 3 - 4 lần so với rừng keo không được tỉa thưa (sản lượng thấp, chỉ bán gỗ băm hoặc gỗ bóc). Ngoài hiệu quả về kinh tế, rừng được tỉa thưa góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu nguy cơ xói mòn, tăng độ màu mỡ và độ ẩm cho đất.

Cần có chính sách hỗ trợ người dân tỉa thưa rừng trồng

Mặc dù giá trị kinh tế của rừng cây gỗ lớn cao hơn rất nhiều so với rừng cây gỗ nhỏ nhưng hiện nay, ngoài những diện tích thực hiện theo Dự án KfW8 tại huyện Chợ Mới và Ngân Sơn, người dân trên địa bàn tỉnh chưa chủ động thực hiện tỉa thưa rừng trồng. Ngay khu vực Chợ Mới, người dân trồng keo vẫn chủ yếu trồng với mật độ cao, không tiến hành tỉa thưa và để bán gỗ băm, gỗ bóc; một số có tỉa thưa nhưng tỉa theo kiểu truyền thống là cây nào nhỏ thì tỉa, cây tốt giữ lại nên hiệu quả của tỉa thưa không cao.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án KfW8, kỹ thuật tỉa thưa theo phương pháp của Dự án KfW8 lần đầu tiên triển khai tại Bắc Kạn cũng như đầu tiên của cả nước nên chưa có kết quả để cho cán bộ và người dân tham quan học tập. Mặt khác, yêu cầu kỹ thuật tỉa thưa rất tỉ mỉ, tốn nhiều nhân công. Nhiều hộ gia đình kinh tế khó khăn thì khó thực hiện được việc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn. Do đó, việc tỉa thưa rừng trồng chưa được nhân rộng tại các rừng keo, mỡ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Việc phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt là công tác trồng rừng sản xuất bằng các nguồn giống chất lượng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng rừng trồng tập trung theo hướng kinh doanh cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất ván bóc, băm dăm, bột giấy...  tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người làm rừng, nâng cao mức sống cho người dân. Tuy nhiên, đa số diện tích rừng trồng hiện nay được khai thác là rừng non, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy trong thời gian tới, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ người dân thực hiện việc tỉa thưa rừng trồng để thực hiện chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng cây gỗ lớn, nâng cao giá trị kinh tế rừng./.

Hương Dịu