PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để bảo vệ đàn vật nuôi
Cùng với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc xin là giải pháp tối ưu để chủ động bảo vệ đàn lợn trước bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhờ tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP mà gia đình ông Triệu Văn Thành ở thôn Bản Piềng, xã Thượng Giáo,
huyện Ba Bể bảo toàn đàn lợn trước dịch bệnh

Thờ ơ với vắc xin, người chăn nuôi thiệt hại nặng vì dịch bệnh

Tại Việt Nam đã có 2 loại vắc xin phòng bệnh DTLCP được cấp phép lưu hành thương mại, gồm Vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và Vaccine NAVET- ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất. Thực tế cho thấy, các vắc xin này đều cho hiệu quả rất cao, đạt miễn dịch lên đến 97 - 99%. Tuy nhiên, các hộ dân chăn nuôi còn rất thờ ơ, chưa quan tâm đến việc tiêm vắc xin bảo vệ đàn vật nuôi; nhiều hộ dân vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của vắc xin, chưa yên tâm sử dụng.

Tại tỉnh Bắc Kạn, bệnh DTLCP tái phát trên địa bàn tỉnh từ tháng 7/2023. Năm 2024, bệnh DTLCP tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng. Mặc dù các đơn vị, địa phương đã quyết liệt vào cuộc triển khai đồng bộ các biện pháp, tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đến ngày 10/7/2024, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 3.104 hộ, 618 thôn, 98 xã thuộc 8 huyện, thành phố làm gần 15.000 con lợn chết, tiêu hủy với tổng khối lượng trên 572 tấn.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên nhân khiến bệnh DTLCP lây lan ra diện rộng đó là người dân chưa quan tâm tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn.

Tiêm phòng vắc xin bảo vệ đàn vật nuôi

Ông Triệu Văn Thành ở thôn Bản Piềng, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể là người đầu tiên tại địa phương tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP cho đàn vật nuôi. Năm 2023, ông đã tiêm vắc xin cho đàn lợn 5 con và nhận thấy việc sử dụng vắc xin phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn rất hiệu quả. Do đó, năm 2024, trước khi bệnh DTLCP đến địa phương, ông đã kịp thời tiêm phòng bệnh cho đàn lợn 14 con của gia đình.

Ông Thành cho biết, năm 2023, khi bệnh DTLCP tái phát trên địa bàn tỉnh, cũng như các hộ chăn nuôi khác, ông và gia đình hết sức lo lắng. Tháng 9/2023, xem thông tin thời sự trên tivi được biết đã có vắc xin phòng bệnh DTLCP được cấp phép lưu hành thương mại, ông đã tìm hiểu và đến hiệu thuốc thú y ở thị trấn Chợ Rã để tìm mua về tiêm cho đàn lợn. Được tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời nên khi bệnh DTLCP xuất hiện tại địa phương, đàn lợn của gia đình ông không bị nhiễm bệnh. Nhận thấy hiệu quả của vắc xin phòng bệnh DTLCP, năm 2024, ông tiếp tục tiêm phòng cho đàn lợn và tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi xung quanh cùng tiêm. Chính vì vậy, khi bệnh dịch xảy ra, khoảng 80% các hộ chăn nuôi trong thôn có lợn bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn về kinh tế thì đàn lợn của gia đình ông và một số hộ đã tiêm vắc xin vẫn “bình an vô sự”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Hoàng Văn Kiệm, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện có 9 hộ dân tự mua vắc xin tiêm phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn của gia đình với tổng số 320 con, sau tiêm, đàn lợn được bảo toàn và phát triển ổn định mặc dù bệnh DTLCP đã và đang diễn ra tại các hộ xung quanh.

Đầu tháng 7/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng loạt tiêm vắc xin phòng chống DTLCP từ ngày 12/7 - 30/8/2024. Theo đó, các địa phương tập trung và ưu tiên tiêm phòng theo thứ tự từ địa bàn các thôn, xã chưa có bệnh DTLCP đến các xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch và địa bàn các thôn chưa có dịch thuộc các xã đã công bố dịch (nếu hộ dân có nhu cầu). Hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lựa chọn, sử dụng một trong hai loại vắc-xin đã được cấp phép lưu hành gồm: Vắc xin NAVET- ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương đã và đang tích cực tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng vắc xin phòng chống bệnh DTLCP; nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là tiêm vắc xin để bảo vệ đàn lợn trước bệnh DTLCP đang diễn biến phức tạp. Nhiều hộ dân đã tháo bỏ được sự nghi hoặc về hiệu quả tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP, chủ động tìm mua vắc xin về tiêm phòng bệnh cho đàn lợn. Theo thông tin từ Chi cục Thú y, tính đến ngày 25/7/2024, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng DTLCP được 3.889 con; các địa phương tiêm nhiều như Ba Bể, Bạch Thông.

Tại huyện Ba Bể, ông Bế Thiện Tuân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, trên địa bàn huyện có 2 cửa hàng thú y ở thị trấn Chợ Rã bán vắc xin phòng DTLCP. Tính đến ngày 23/7, đã có 185 hộ dân chủ động đến các cửa hàng thú y mua vắc xin tiêm được 1.964 con lợn, đến thời điểm hiện nay chưa có sự cố tiêm vắc xin xảy ra.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai đồng loạt tiêm phòng vắc xin DTLCP, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, rà soát nhu cầu tiêm vắc xin của các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn. Tính đến ngày 23/7, đã có 177 hộ đăng ký tiêm vắc xin cho 929 con lợn và số lượng nhu cầu tiêm vắc xin sẽ còn tăng khi hiện nay các địa phương đang tiếp tục rà soát. Xã Đồng Phúc là địa phương đầu tiên của huyện được công bố hết DTLCP, hiện nay có 33 hộ dân trên địa bàn xã đã đăng ký nhu cầu tiêm vắc xin cho đàn lợn với tổng số 320 con. Từ ngày 29/7, cán bộ thú y sẽ ra quân tiêm phòng DTLCP cho các hộ dân xã Đồng Phúc đã đăng ký; vắc xin được đơn vị cung ứng vận chuyển đến tận xã phục vụ công tác tiêm phòng đảm bảo kịp thời, an toàn.

Tại huyện Bạch Thông, đến thời điểm ngày 23/7, toàn huyện đã có 124 hộ dân tự chủ động đến cửa hàng thú y mua vắc xin tiêm phòng DTLCP cho 790 con lợn. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai đồng loạt tiêm phòng vắc xin DTLCP, đã có 185 hộ đăng ký tiêm cho 1.996 con lợn. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tiêm vắc xin phòng DTLCP cho đàn vật nuôi.

Tính đến ngày 25/7, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 3.429 hộ, 642 thôn, 98 xã thuộc 8 huyện, thành phố làm gần 17.000 con lợn chết, tiêu hủy với khối lượng trên 651 tấn. Toàn tỉnh đã có 17 xã công bố hết dịch, 22 xã đã qua 21 ngày, còn 59 xã chưa qua 21 ngày. Để sớm khống chế dịch bệnh, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ và chủ động tiêm vắc xin phòng DTLCP cho đàn vật nuôi với kết quả cao nhất./.

Hương Dịu