PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tín dụng chính sách - “Đòn bẩy” thoát nghèo ở vùng cao Pác Nặm
Hơn hai chục nghìn lượt người được vay vốn, hơn 1.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 1.000 ngôi nhà cho hộ nghèo được xây dựng… là những con số ấn tượng trong 10 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Pác Nặm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Gia đình anh Dương Văn Dẩư, thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết
từ nguồn phúc lợi xã hội của Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Đa dạng hóa giải pháp đưa nguồn vốn đến người dân

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ người dân nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, huyện Pác Nặm đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Công tác cho vay vốn được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Pác Nặm thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ nhưng vẫn đảm bảo theo quy định. Huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng để các đối tượng có nhu cầu nắm rõ, từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhận định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, hằng năm, huyện chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Huyện cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời gắn việc chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội hằng năm trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, huyện đưa nội dung hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, năm của các đơn vị, địa phương. Thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội các cấp, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; chỉ đạo thành lập tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi cấp xã; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đầy đủ các nội dung đã ủy thác, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tồn đọng.

Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh,...) khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, kinh doanh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro chính xác, kịp thời, tạo điều kiện để người vay tiếp tục vay vốn đầu tư khôi phục sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, tránh nguy cơ tái nghèo.

Công tác điều tra, rà soát, xác định, bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách luôn được địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc. Thống kê, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn phát sinh hằng năm làm cơ sở để những đối tượng này được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã trong công tác điều tra, xác nhận đối tượng được vay vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án về giải quyết việc làm trên địa bàn.

Thay đổi cuộc sống người nghèo

Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, thời gian qua, chính sách tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy giúp người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Trong 10 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện giải ngân cho vay đạt trên 895.091 triệu đồng, cho 23.710 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Các đơn vị thường xuyên thực hiện đối chiếu, phân tích nợ, chủ động theo dõi, nắm bắt và xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro theo quy định. Theo thống kê, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến ngày 30/4/2024 là 345.105 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 92,77% tổng dư nợ, với 4.912 hộ vay đang dư nợ tại 143 tổ tiết kiệm và vay vốn; nợ quá hạn ủy thác 809 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,23% dư nợ ủy thác.

Từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách, nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, hộ anh Lý Văn Kiều, tổ Nà Vài, xã Nghiên Loan từ nguồn vốn vay ban đầu là 50 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản, mô hình đang phát huy hiệu quả giúp gia đình anh có mức thu nhập khá. Hộ anh Hoàng Tiến Hồng, thôn Khau Vai, xã Bộc Bố với mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản, từ số vốn vay 100 triệu đồng ban đầu đến nay gia đình anh đã có 5 con ngựa sinh sản, mô hình phát triển tốt. Hay mô hình vườn - ao - chuồng - rừng của anh Quách Văn Giai thôn Đông Lẻo, xã Bộc Bố từ 30 triệu đồng vốn vay tạo việc làm đã giúp gia đình thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá đem lại thu nhập khá... Theo thống kê của huyện, số hộ vượt qua ngưỡng nghèo của toàn huyện trong 10 năm qua là 1.604 hộ.

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện được vay vốn đi học, đồng thời hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Trong 10 năm, từ 2014 đến 2024, toàn huyện có 694 học sinh, sinh viên được vay vốn; 1.685 lượt lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 1.488 lượt lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…   

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách cũng quan tâm tới việc nâng cao đời sống xã hội cho người dân vùng cao. Trong đó, số công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, sửa chữa là hơn 4.700 công trình; hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ nhà ở với 999 nhà; qua đó giúp cho các hộ gia đình yên tâm lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, huyện Pác Nặm tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn. Huyện xác định tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong quản lý và sử dụng vốn vay để nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội; gắn việc triển khai tín dụng chính sách với chủ trương, định hướng của từng địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn; tập trung ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện./.

Hương Lan