PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tổng huy động vốn các ngân hàng tăng 5,3%
Trong 4 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ trên địa bàn ổn định, các chi nhánh ngân hàng thương mại cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tổng huy động vốn tăng 638 tỷ đồng (tăng 5,3%) so với 31/12/2022.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Giao dịch tại Ngân hàng Công Thương chi nhánh Bắc Kạn

Từ đầu năm đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh luôn đáp ứng đủ nguồn vốn cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Việc tiếp cận nguồn vốn vay đã được cải thiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ước thực hiện đến 30/4/2023 là 12.710 tỷ đồng, tăng 5,3% (tăng 638 tỷ đồng) so với 31/12/2022, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cấp tín dụng đến 30/4/2023 ước đạt 11.730 tỷ đồng, giảm 1,1% (giảm 126 tỷ đồng) so với 31/12/2022, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Ước tính nợ xấu đến 30/4/2023 là 69 tỷ đồng, chiếm 0,6% trong tổng dư nợ, tăng 6,2% so với cuối năm 2022, bằng tháng trước, giảm 32,4% so với cùng kỳ.

Các chương trình tín dụng ngân hàng được thực hiện hiệu quả, đến 30/4/2023, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn ước đạt 3.391 tỷ đồng; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 1.280 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp sạch đạt 1 tỷ đồng; dư nợ tín dụng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 2.890 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 69 khách hàng với tổng giá trị là 300 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31/3/2023 là 55 tỷ đồng với 19 khách hàng; thực hiện miễn, giảm lãi suất đối với các khoản nợ hiện hữu cho 3 khách hàng doanh nghiệp với tổng giá trị nợ là 33 tỷ đồng. Có 1.736 khách hàng được cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch đạt 5.871 tỷ đồng.

Chính sách tín dụng hỗ trợ theo các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần giúp cho người dân, doanh nghiệp vươn lên phát triển kinh tế. Đến ngày 31/3/2023, hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP cho 14.719 hộ vay vốn với tổng số tiền 8,1 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.174 lao động với tổng số tiền 150 tỷ đồng; dư nợ cho vay để xây mới, cải tạo nhà ở theo chính sách nhà ở xã hội cho 114 khách hàng vay với tổng số tiền 45 tỷ đồng; thực hiện chính sách tín dụng theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 676 khách hàng với tổng số tiền là 34 tỷ đồng; dư nợ đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho 21 cơ sở vay với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022 của Chính phủ, đến ngày 31/3/2023 thực hiện giải ngân cho 6 khách hàng với tổng tổng doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là 20,6 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 91,5 triệu đồng./.

Hương Lan