PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển khai quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm
Năm 2024, mặc dù tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm song tiến độ thu dự kiến đạt thấp hơn so với kế hoạch và kịch bản tăng trưởng đề ra, đòi hỏi cần có sự nỗ lực và nhiều giải pháp mạnh hơn nữa để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Xây dựng, khai trương tuyến phố đi bộ tại thành phố Bắc Kạn vào cuối tháng 8/2024
cũng là một trong những giải pháp nhằm kích cầu du lịch, tăng thu ngân sách cho tỉnh

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn được Trung ương giao chỉ tiêu thu nội địa 910 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao dự toán 978 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thuế tỉnh, kết quả thu nội địa ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 được 408,8 tỷ đồng, đạt 44,9% so với dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 41,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 117,9% so với cùng kỳ.

Một số địa bàn đạt trên 50% dự toán tỉnh giao, đó là huyện Bạch Thông thu 12 tỷ đồng (bằng 61,6%); huyện Na Rì  16,3 tỷ đồng (bằng 60,5%); huyện Ngân Sơn 18,36 tỷ đồng (bằng 61,2%); Văn phòng Cục Thuế 174,5 tỷ đồng (bằng 52,9%).

Một số địa bàn gặp nhiều khó khăn trong công tác thu và tiến độ thu còn thấp so với dự toán tỉnh chủ yếu do chưa thực hiện hoặc gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu giá thu tiền sử dụng đất, cụ thể: Thành phố Bắc Kạn thu đạt 83,6 tỷ đồng (bằng 26,4%); huyện Chợ Đồn 61,2 tỷ đồng (bằng 44%); huyện Ba Bể 19,9 tỷ đồng (bằng 32,1%), huyện Chợ Mới 16,1 tỷ đồng (bằng 41,9%), huyện Pác Nặm 6,5 tỷ đồng (bằng 43,8%).

Tiến độ thu nội địa tuy đạt khá so với cùng kỳ song dự kiến đạt thấp hơn so với kế hoạch và kịch bản tăng trưởng đề ra. Có 9/17 khoản thu được giao dự toán có số thu lũy kế 6 tháng đầu năm đạt từ 50% trở lên so với dự toán tỉnh, bao gồm thu từ khu vực nhà nước địa phương 4,2 tỷ đồng (bằng 65,5%); thu từ khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh 84,6 tỷ đồng (bằng 56,4%); thu từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh 13,63 tỷ đồng (bằng 59,3%); thuế thu nhập cá nhân 33,45 tỷ đồng (bằng 88%); lệ phí trước bạ 25,88 tỷ đồng (51,8%); phí lệ phí thu 42,2 tỷ đồng (54,1%); tiền thuê đất thu 7,56 tỷ đồng (54%); thu khác ngân sách 47,5 tỷ đồng (bằng 67,9%)…

Các khoản thu còn lại chưa đạt tiến độ đề ra (dưới 50%), đặc biệt là một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu còn đạt thấp so với dự toán tỉnh giao như thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương 34,5 tỷ đồng (bằng 32,3%); thuế bảo vệ môi trường 31,3 tỷ đồng (bằng 44,8%); thu tiền sử dụng đất 61,4 tỷ đồng (bằng 18,4%); thu từ hoạt động xổ số 9,15 tỷ đồng (bằng 45,8%)...

Theo phân tích của Cục Thuế tỉnh, khó khăn trong việc khai thác nguồn thu, tăng thu là do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm, hoặc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai. Một số doanh nghiệp ngoại tỉnh chưa tự giác thực hiện tốt các chỉ đạo của tỉnh về kê khai nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế tại Bắc Kạn. Việc tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các giải pháp chống thất từ các lĩnh vực như vận tải, xây dựng cơ bản tư nhân, khoáng sản, sản xuất kinh doanh rượu, chế biến gỗ, thương mại điện tử, ... của các ngành liên quan, các địa phương chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Để hoàn thành dự toán thu nội địa được HĐND tỉnh giao 978 tỷ đồng, nhiệm vụ còn phải thu trong 6 tháng cuối năm là 570 tỷ đồng (trong đó thu tiền sử dụng đất còn phải thu là 271,6 tỷ đồng), cần đạt bình quân 95 tỷ đồng/tháng, trong khi thu nội địa 6 tháng đầu năm thu bình quân chỉ đạt 68,1 tỷ đồng/tháng.

Để phấn đấu hoàn thành 100% dự toán tỉnh giao năm 2024, Cục Thuế kiến nghị các ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác thu ngân sách nhà nước nói chung, công tác thuế nói riêng, sớm đưa các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai vào thực tiễn, tránh tình trạng chỉ ban hành các văn bản chỉ đạo mà không có chương trình, nội dung hành động cụ thể, thiếu kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, dẫn đến hình thức, kém hiệu quả.

Cần rà soát kỹ các nguồn thu, đặc biệt các nguồn còn khả năng thu, có mức tăng trưởng cao trong các tháng đầu năm để giao dự toán phấn đấu cho các đơn vị dự toán thu nhằm bù đắp hụt thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đấu giá, thu tiền sử dụng đất, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về rà soát việc sử dụng đất để tăng nguồn thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất.

Phối  hợp  chặt  chẽ,  thường  xuyên, hiệu quả với các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng, Kho bạc, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố trong việc quản lý, đôn đốc thu thuế phát sinh, xử lý, thu hồi tiền thuế nợ theo đúng quy định; tăng cường công tác phối hợp chống thất thu, đảm bảo quản lý, thu đúng, thu đủ nguồn thu từ các hoạt động như vận tải, xây dựng cơ bản tư nhân, thương mại điện tử, chế biến gỗ, sản xuất rượu, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường hoạt động khai thác đất để thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách.

Tăng cường công tác trao đổi thông tin phục vụ yêu cầu quản lý thuế, chống thất thu thuế; phân tích, đánh giá, dự báo chính xác nguồn thu, khả năng thu để chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành thu của tỉnh cũng như của ngành Thuế.

Đối với ngành Thuế, công chức Thuế cần thường xuyên bám sát địa bàn, nguồn thu, người nộp thuế, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp quản lý chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không để thất thu ngân sách nhà nước. Thực tốt các chức năng quản lý thuế như: Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; kiểm tra thuế để phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật thuế, hóa đơn, chứng từ gây thất thu ngân sách nhà nước; kê khai thuế; xử lý nợ và thu hồi tiền thuế nợ; xây dựng, giao dự toán thu theo tháng, chi tiết đến từng sắc thuế, địa bàn thu, từng công chức quản lý để tổ chức thực hiện./.

BH