PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển vọng từ mô hình trồng lê tại Yến Dương, huyện Ba Bể
Sau 6 năm triển khai, mô hình trồng thử nghiệm lê tại thôn Nà Pài, xã Yến Dương, huyện Ba Bể cho thấy cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng địa phương, có khả năng mở rộng phát triển sản xuất trở thành cây trồng giúp bà con địa phương giảm nghèo.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Anh Triệu Hữu Thành thu hoạch những quả lê cuối vụ

Bắt đầu từ tháng 6/2024, gia đình anh Triệu Hữu Thành tại thôn Nà Pài, xã Yến Dương vào vụ thu hoạch lê. Đây là vụ thứ 2 gia đình anh Thành được thu hoạch lê sau 6 năm trồng và chăm sóc theo mô hình của dự án khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất lê tại Bắc Kạn” do Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi - Trường Đại học Nông Lâm chủ trì thực hiện từ tháng 1/2017 - 12/2021.

Anh Triệu Hữu Thành cho biết, gia đình anh thực hiện mô hình với diện tích 0,6 ha, trồng được 160 cây lê địa phương và lê VH6. Quá trình thực hiện mô hình, anh được hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên cây trồng phát triển rất tốt. Năm 2022, cây lê bắt đầu ra hoa, bói quả nhưng rất ít và được ngắt bỏ để dưỡng cây. Năm 2023, cây lê ra hoa và rất sai quả, quả to, ngọt, mọng nước; anh thu hoạch và xuất bán ra thị trường với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Năm 2024, gia đình anh xuất bán ra thị trường 3 tạ lê.

Lê địa phương và lê VH6 qua trồng thử nghiệm ở thôn Nà Pài, xã Yến Dương cho thấy cây phù hợp với khí hậu,
thổ nhưỡng địa phương 

Lê là cây ăn quả đặc sản ôn đới có giá trị kinh tế cao. Tại Bắc Kạn, cây lê đã được trồng ở một số vùng cao có mùa đông lạnh như xã Yến Dương, Địa Linh và Khang Ninh của huyện Ba Bể; xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn; xã Bộc Bố của huyện Pác Nặm. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cây lê ở các địa phương còn hạn chế và có chiều hướng giảm dần; một số diện tích trồng lê trước đây chưa phát huy được hiệu quả, hầu hết diện tích còn lại trồng manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tạo được sản lượng lớn tập trung mang tính hàng hóa và hiệu quả quy mô cộng đồng. Một trong những nguyên nhân chính hạn chế phát triển mở rộng sản xuất lê tại địa phương là chưa có giống lê tốt phù hợp, chưa đầu tư thích đáng và áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lê thích hợp.

Chính vì vậy, UBND tỉnh đã đồng ý giao Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi - Trường Đại học Nông Lâm triển khai dự án khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất lê tại Bắc Kạn” từ tháng 1/2017-12/2021 nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lê có hiệu quả theo hướng tập trung hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào tại một số địa phương vùng cao khó khăn tại huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm. Dự án đã thực hiện xây dựng mô hình trồng lê tại 3 huyện với diện tích 9 ha, giống lê được đưa vào thử nghiệm là lê VH6 (7,5 ha) và lê địa phương (1,5 ha).

Trong phạm vi Dự án, mô hình trồng lê tại xã Yến Dương (huyện Ba Bể) được thực hiện tại thôn Nà Pài với 8 hộ tham gia, diện tích 3,8 ha. Tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thâm canh cây lê, cách phòng trừ sâu bệnh, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng.

Chị Triệu Thị Phương - Trưởng Thôn Nà Pài cho biết, qua thực hiện mô hình cho thấy cây lê rất phù hợp với đồng đất tại thôn, mặc dù mới cho thu hoạch vụ thứ hai nhưng cây lê đã bắt đầu đem lại thu nhập cho bà con, hứa hẹn trở thành cây trồng giúp bà con giảm nghèo. Gia đình chị cũng tham gia mô hình với diện tích 0,6 ha, vụ năm 2024 này thu hoạch được khoảng 4 - 5 tạ, bán ra thị trường khoảng 3 tạ, thu được 9 triệu đồng.

Theo chị Phương, tại khu vực thực hiện mô hình trồng lê hiện nay, trước đây, bà con chỉ trồng ngô để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, nếu bán cũng không được bao nhiêu. Ví như gia đình chị, với diện tích đang trồng lê, những năm trước trồng ngô bán chỉ được khoảng 1 triệu. Chính vì vậy, các hộ trồng lê ở đây rất phấn khởi khi cây lê phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch.

Chị Phương cho biết thêm, trong thời gian tới, chị sẽ vận động các hộ dân trong thôn có đất đồi đang trồng ngô cho thu nhập thấp chuyển đổi sang trồng lê để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo tại thôn vùng cao này./.  

Hương Dịu