PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ukraine dỡ bỏ rào cản đối với xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp
Ngày 16/5, Chính phủ Ukraine thông báo đã dỡ bỏ những rào cản đối với việc xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp vốn đã áp đặt vào năm ngoái nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ. Trước đó, Kiev áp đặt những rào cản này nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

EU đã áp đặt hạn chế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp
của Ukraine nhằm khắc phục tình trạng nguồn cung dư thừa. (Ảnh: Reuters)

Năm 2022, Ukraine đã áp đặt quy định bắt buộc phải xin giấy phép xuất khẩu đối với các mặt hàng nông nghiệp để bảo vệ nguồn cung lương thực sau khi hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước này bị ảnh hưởng bởi xung đột. Mặc dù việc phải xin giấy phép không có nghĩa là cấm xuất khẩu nhưng cũng khiến hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo quyết định trên, Chính phủ Ukraine sẽ dỡ bỏ yêu cầu về giấy phép xuất khẩu đối với gia súc, thịt gia súc đông lạnh, thịt gà, trứng, lúa mạch đen, yến mạch, kê và một số sản phẩm khác.

Chính phủ Ukraine hy vọng biện pháp này sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập ngoại hối cho đất nước trong khi không ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường nội địa. Ukraine hiện là nhà sản thịt gia cầm và xuất khẩu ngũ cốc lớn. 

Hôm 2/5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt hạn chế nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine nhằm khắc phục tình trạng nguồn cung dư thừa của Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã kêu gọi EU sửa đổi và mở rộng các quy định hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.

Các Bộ trưởng lưu ý đề xuất cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương từ Ukraine của Ủy ban châu Âu là chưa đủ, đồng thời đề nghị bổ sung dầu hướng dương, mật ong, đường, trái cây mềm, trứng, thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa của Ukraine vào danh sách này.

Từ tháng 5/2022, EU cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa do xung đột, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo đó, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã trở thành các quốc gia trung chuyển ngũ cốc Ukraine. Các nước này đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không làm thủ tục hải quan, không bị đánh thuế và kiểm tra chính thức. Tuy nhiên, nhiều nước cáo buộc phần lớn nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá trên thị trường, nhất là tại các nước Trung và Đông Âu./.

Theo dangcongsan.vn