PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/02/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông phát triển mô hình dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với văn hóa, tri thức bản địa của người Dao, xã Vi Hương
Những năm gần đây, huyện Bạch Thông đã tập trung khai thác, phát huy lợi thế về sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển các vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Với mục tiêu xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững, năm 2024, Bạch Thông lựa chọn xây dựng, phát triển mô hình dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với văn hóa, tri thức bản địa của người Dao, xã Vi Hương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mô hình hướng đến mục tiêu hình thành, củng cố 5 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP (An Mộc Nhi, Mộc Vượng Xuân, Phục Dưỡng Hoa, Thảo dược ngâm chân, Túi thổ cẩm); 5 sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP (Vượng Dương chà, Vượng xuân chà, Thảo dược xông hơi, Thảo dược xoa bóp, Gối Dược liệu), trong đó 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (Gối dược liệu, Thảo dược ngâm chân); phát triển vùng nguyên liệu 20 ha với 50 hộ liên kết phục vụ sản xuất; hợp tác xã trực tiếp chế biến 400 tấn thảo dược nguyên liệu (tươi), thành phẩm dự kiến đạt 100 tấn thảo dược khô/năm; giải quyết việc làm cho 70 lao động ở địa phương, với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Triển khai thực hiện Mô hình cũng nhằm bảo tồn được nét văn hóa truyền thống và thu hút khách du lịch trong và ngoài địa phương tham quan, trải nghiệm vườn trồng dược liệu, khám phá bản địa, thưởng thức các đồ ăn, thức uống từ thảo dược; tạo điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong vùng trồng dược liệu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Kiệm cho biết, Vi Hương là địa bàn hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng và phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với văn hóa, tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó điển hình là cộng đồng người Dao. Địa hình giao thông của xã khá thuận lợi, lại có 3 di tích lịch sử văn hoá đã được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử Nà Mặn, Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Hoa Sơn và Di tích lịch sử Núi Cứu Quốc.

Cộng đồng dân cư xã Vi Hương còn lưu giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày - Nùng - Dao với các làn điệu hát Then, hát Pá dung, múa Bát đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; mọi người đều sống hài hòa, thân thiện, cầu thị, khát vọng phát triển, tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn luôn ổn định. Đặc biệt, thổ nhưỡng, khí hậu xã Vi Hương phù hợp phát triển các cây dược liệu quý, có giá trị hàng hóa cao; tài nguyên đất đai phần lớn khu vực dự kiến phát triển du lịch do Nhà nước quản lý gồm rừng phòng hộ, xen lẫn rừng sản xuất có thể quy hoạch phát triển các điểm trồng cây dược liệu gắn với du lịch trải nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt. Bên cạnh đó, đới khí hậu dọc suối Thủy Điện và núi Phja Bjooc có tính chất cận ôn đới, nhiệt độ luôn thấp hơn các vùng khác, đỉnh núi quanh năm có mây trắng bao phủ về chiều tối; về mùa đông, có ngày nhiệt độ dưới 0 độ C, tạo hiện tượng băng giá kỳ thú trên đỉnh núi, có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng.


HTX Thiên An đi đầu trong việc trồng, khai thác và chế biến cây dược liệu gắn với văn hóa,
tri thức bản địa của người Dao (Ảnh TL)

Hiện nay, trên địa bàn xã Vi Hương có Hợp tác xã Thiên An là một trong những hợp tác xã đi đầu trong việc trồng, khai thác và chế biến cây dược liệu gắn với văn hóa, tri thức bản địa của người Dao. Năm 2020, Hợp tác xã Thiên An đã thực hiện Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thảo dược theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, theo đó đã phát triển 10 ha vùng nguyên liệu trên địa bàn xã. Ngoài ra, Hợp tác xã còn khai thác một số loại dược liệu bản địa từ rừng tự nhiên phục vụ sản xuất.

Hiện nay, Hợp tác xã đã tự trang bị được loại máy sấy lạnh, sấy nhiệt, máy nghiền, máy đóng gói tự động đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm dược khô được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận, tuy nhiên chưa có các loại máy móc để thực hiện sản xuất, đóng gói các loại thảo dược dạng lỏng, cô đặc...; chủng loại các cây thảo dược để phục vụ du khách trải nghiệm chưa phong phú. Ngoài ra, Hợp tác xã đã xây dựng được 320 m2 nhà xưởng để sản xuất mỹ phẩm CGMP; gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm 18 m2, phòng tắm dược liệu 15 m2. Để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ khách hàng cần phải đầu tư các hạng mục cho khu trải nghiệm như nhà xưởng, nhà kho, nhà trưng bày sản phẩm, các phòng tắm thảo dược, chòi trải nghiệm văn hóa dân tộc, hệ thống sân, nhà vệ sinh, tường rào, cầu qua suối, bể xử lý nước thải, hệ thống điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trải nghiệm cho du khách.

Để thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với văn hóa, tri thức bản địa của người Dao cần phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Theo Kế hoạch, huyện Bạch Thông dự kiến triển khai xây dựng mô hình sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn công nghệ áp dụng GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Cụ thể là xây dựng Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị du lịch sinh thái gắn với cây trồng có giá trị kinh tế cao với quy mô vùng nguyên liệu dược liệu phục vụ chế biến, trong đó trồng mới 18,2 ha quế, 43,33 ha hồi; 1,386 ha khôi nhung tía; 1,568 ha chè hoa vàng và một số cây ăn quả, cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao tập trung tại các thôn Thuỷ Điện, Địa Cát, Cốc Thốc.

Cùng với đó là trang bị máy móc công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng nhà xưởng, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, mô hình trải nghiệm tắm dược liệu cho Hợp tác xã Thiên an trong phát triển dược liệu.

Dự kiến kinh phí thực hiện Mô hình là hơn 5 tỷ đồng; hiện nay, UBND huyện Bạch Thông đang trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt./.

BH