PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động và nỗ lực cao nhất để đẩy mạnh chuyển đổi số cho khu vực hợp tác xã
Chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số cho khu vực hợp tác xã để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 263 HTX và 2 liên hiệp HTX với trên 2.000 thành viên, gần 800 cán bộ quản lý HTX. Theo tiêu chí về số lượng thành viên và tổng nguồn vốn hoạt động quy định tại Thông tư số 01/2020/TT- BKHĐT ngày 19/2/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quy mô của các HTX trên địa bàn tỉnh chủ yếu là HTX nhỏ và siêu nhỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình cho biết, bên cạnh những thuận lợi, Bắc Kạn vẫn còn là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước. Về giao thông, với Bắc Kạn hiện là 3 không: Không có đường sắt, không có đường không, không có đường thủy kết nối với các tỉnh khác; đường bộ thì chủ yếu là các tuyến đường cũ, tốc độ di chuyển thấp; người dân của tỉnh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống khá rải rác… Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển HTX nói riêng, tỉnh xác định phải đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là một con đường để rút ngắn khoảng cách phát triển, tích cực xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, đưa sản phẩm của tỉnh đến với các thị trường trong và ngoài nước. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong khu vực HTX.

Triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia của Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ 14 HTX tham gia các đề án như: "Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn xúc tiến bán hàng online bằng phương pháp tiếp thị đa kênh”, “Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng cho doanh nghiệp thương mại điện tử tại Bắc Kạn” và “Ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”... Thông qua các chương trình đã góp phần hỗ trợ HTX thay đổi tư duy từ bán hàng truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cắt giảm chi phí bán hàng, tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước cho các HTX của tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2021, UBND tỉnh và Tập đoàn Kim Nam đã triển khai ký kết hợp tác thực hiện sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX quảng bá và phân phối các sản phẩm OCOP của địa phương đến với khách hàng trong nước và nước ngoài trên môi trường số, giúp cho việc giao thương hàng hóa trong và ngoài nước đơn giản và đảm bảo được tính pháp lý.

Từ tháng 7/2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc đăng ký HTX, Liên hiệp HTX trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký HTX; cử cán bộ tham dự khóa đào tạo hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký HTX; thực hiện chuyển đổi dữ liệu đăng ký HTX vào hệ thống chuyển đổi dữ liệu. Đến nay, 100% hồ sơ đăng ký HTX trên địa bàn tỉnh đã được số hóa và cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký HTX.

Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ và tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm cho 58 HTX; hỗ trợ xây dựng website cho 4 HTX; hỗ trợ 44 HTX tham gia Cổng Thông tin tiêu thụ sản phẩm HTX của Liên minh HTX Việt Nam...

Thực hiện chương trình phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai thí điểm chuyển đổi số tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh đã lựa chọn HTX Thiên An để triển khai thực hiện hỗ trợ các giải pháp về Chuyển đổi số. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, kết quả ghi nhận được khá rõ ràng: Thị trường của HTX đã được mở rộng đến những tỉnh, thành phố xa như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Hải Phòng, Quảng Ninh... Sản lượng bán hàng tăng gấp 5 lần (từ 4 - 5 đơn hàng mỗi ngày lên đến 20 - 25 đơn hàng). Nhờ đó, thu nhập của thành viên HTX đã tăng gấp khoảng 3 lần, từ mức 1,5 - 2 triệu đồng/tháng lên mức trung bình trên 5 triệu đồng/tháng.

Giao diện Website của HTX Thiên An

Trong giai đoạn vừa qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, một số HTX trên địa bàn cũng đã chủ động đầu tư máy móc và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh như: HTX Cao Phong, HTX Trần Phú, HTX Tài Hoan, HTX Yến Dương, HTX Fress Oil, HTX Hợp Giang, HTX Rượu chuối Tân Dân, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thành, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố... qua đó, từng bước tạo ra được sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, nâng cao giá trị cho sản phẩm để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đánh giá, thông qua việc chuyển đối số, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, việc tiếp cận thị trường không chỉ trong nước mà đã vươn xa đến thị trường nước ngoài, thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng cao, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương. Những kết quả đạt được vừa qua là một trong những động lực để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục xác định thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX là yêu cầu tất yếu.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, do Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, điều kiện địa lý khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ; còn nhiều khu vực chưa được phủ sóng di động; nguồn lực về vốn, tài chính của HTX còn hạn chế; năng lực quản trị, điều hành của một số HTX còn yếu.... do vậy, quá trình chuyển đổi số trong khu vực HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục chủ động và nỗ lực cao nhất để đẩy mạnh chuyển đổi số cho khu vực HTX./.

Hương Dịu