PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị “Giải pháp nâng cao các chỉ số về kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”
Sáng 12/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Giải pháp nâng cao các chỉ số về kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Dự Hội nghị có Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Minh Tuấn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Bắc Kạn được thực hiện theo định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Với việc đẩy mạnh các giải pháp, phần mềm ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy quá trình hình thành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cùng với sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh; sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, trong 2 năm vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT, ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh. Chỉ số cải cách hành chính tăng 5 bậc so với năm 2020, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố; chỉ số chuyển đổi số tăng 8 bậc so với năm 2020, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, xếp hạng về chỉ số nhân lực số, hoạt động kinh tế số đều nằm trong top 20, hạ tầng số nằm trong top 30. So với mặt bằng chung, các thứ hạng của tỉnh còn khiêm tốn song cũng cho thấy sự quyết tâm cao của tỉnh trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, thông qua Hội nghị góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường sự tham gia và đồng hành cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc xác định nội dung, giải pháp, lộ trình thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn phát biểu về "Định hướng phát triển kinh tế số - xã hội số 
tỉnh Bắc Kạn đến 2025"

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã trình bày các tham luận về: Định hướng phát triển kinh tế số - xã hội số tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025; Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong hội nhập và phát triển; VNPT đồng hành chuyển đổi số tại Bắc Kạn; Viettel đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); Chuyển đổi số toàn diện - khôi phục và tăng cường sau Covid-19. Các đại biểu cũng thảo luận, có ý kiến với đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số, các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp cung cấp các nền tảng số cho doanh nghiệp. Phía đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi thêm về việc khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn mạnh dạn dùng thử các phần mềm, giải pháp chuyển đổi số, nền tảng số do các nhà cung cấp lĩnh vực CNTT triển khai…

Ông Nguyễn Kim Dũng, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham luận về chủ đề 
"Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong hội nhập và phát triển"
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đánh giá, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp đó là thay đổi thói quen. Để thay đổi thói quen trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp là nhận thức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm, dám thay đổi thói quen, cách làm mới hay không dám làm của người lãnh đạo. Như vậy, chuyển đổi số có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc với người lãnh đạo doanh nghiệp.

Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là hoạt động chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân về chuyển đổi số nói chung và kinh tế số, xã hội số nói riêng; chú trọng việc khơi gợi tinh thần chủ động, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong mỗi người dân, doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, doanh nghiệp, người dân. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; nghiên cứu thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp đánh giá xếp loại mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; quan tâm, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tỉnh thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương./.

Thu Trang