PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển khai các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra đối với cây trồng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung để phòng chống và khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 - Prapiroon.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Người dân xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông thu hoạch lạc

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ ngày 23/7 đến hết ngày 24/7, khu vực Bắc Bộ bước vào đợt mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực Đông Bắc Bộ dao động từ 70 - 150 mm, có nơi trên 300 mm/đợt.

Để phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra đối với cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung, cụ thể:

Đối với cây lúa, chủ động tiêu cạn nước, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh mương, kiểm tra tôn cao bờ, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Tại các vùng bị úng ngập, tập trung tiêu úng, thoát nước; huy động tối đa mọi phương tiện để tháo nước nhanh; ưu tiên tiêu úng nhanh cho những diện tích lúa bị ngập nặng, diện tích mạ còn lại, không để lúa, mạ bị ngập nước quá lâu. Có phương án chuẩn bị đủ lượng hạt giống lúa ngắn ngày để gieo cấy lại trong trường hợp cần thiết.

Đối với vùng rau màu, chuyên màu, khuyến cáo nông dân thu hoạch kịp thời diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, đồng thời chủ động khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng rau màu mới gieo trồng, chưa đến thời kỳ thu hoạch; chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Khẩn trương dựng những cây bị đổ ngã sau mưa bão, tháo cạn nước mặt ruộng, tạo điều kiện thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại phát sinh, phát triển; vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại, đặc biệt là sự bùng phát của bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá,... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.

Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn khi đã đủ tuổi thu hoạch; đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả để đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng. Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây.

Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với những ảnh hưởng xấu của thời tiết, dịch hại gây ra; khẩn trương rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại, báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất chính sách hỗ trợ theo quy định./.

Hương Dịu