PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Các nước cần đối thoại để chấm dứt hiểm họa hạt nhân
Tại Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân của LHQ, Việt Nam khẳng định các nước cần hợp tác, đối thoại, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau vì mục tiêu chung là chấm dứt hiểm họa hạt nhân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các nước cần đối thoại để chấm dứt hiểm họa hạt nhân - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định quan điểm của Việt Nam: "Các nước cần dối thoại để chấm dứt thảm họa hạt nhân".

Ngày 1/8 tại trụ sở LHQ (New York, Mỹ), Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã khai mạc sau hơn 2 năm phải trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Hội nghị thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Fiji cùng gần 50 Bộ trưởng và cấp tương đương của các nước thành viên Hiệp ước NPT, lãnh đạo LHQ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu tham dự Hội nghị này.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới phải đối mặt với "một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh" và "chỉ cần một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn tới huỷ diệt hạt nhân", trang tin Liên Hợp Quốc (UN.org) dẫn phát biểu của Tổng Thư ký Antonio Guterres.

Tổng Thư ký LHQ đã đề xuất 5 lĩnh vực hành động gồm: Củng cố Hiệp ước NPT; loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân; giải quyết căng thẳng tại khu vực Trung Đông và châu Á; thúc đẩy sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, qua đó góp phần triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện các cam kết của Hiệp ước chưa được hoàn thành.

Theo TTXVN, phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh Việt Nam khẳng định các nước cần hợp tác, đối thoại, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau vì mục tiêu chung là chấm dứt hiểm họa hạt nhân trên thế giới.

Ông Hà Kim Ngọc một lần nữa nêu rõ về chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy cân bằng cả 3 trụ cột của Hiệp ước là không phổ biến vũ khí hạt nhân; kêu gọi các quốc gia loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân; nhấn mạnh quyền của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Cùng với đó, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy giải trừ kho vũ khí này.

Ông Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các nghĩa vụ quốc gia trong khuôn khổ Hiệp ước NPT cũng như các cam kết quốc tế quan trọng khác trong lĩnh vực này, trong đó có việc thúc đẩy Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, góp phần vào việc duy trì hòa bình khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng cho rằng các nước cần dành ngân sách cho việc phát triển công nghệ hạt nhân nhằm ứng phó với các thách thức ngày nay như khủng hoảng lương thực, năng lượng, y tế và biến đối khí hậu.

Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân được ký ngày 1/7/1968, có hiệu lực từ ngày 5/3/1970.

Đây là hiệp ước có vai trò trung tâm trong các cơ chế quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân với 191 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm cả 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp).

Hiệp ước có 3 nguyên tắc trụ cột, gồm: Không phổ biến vũ khí hạt nhân; giải trừ vũ khí hạt nhân (giải trừ quân bị) và quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hoà bình.

Theo baochinhphu.vn