PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/02/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài, từ ngày 22/2 - 30/1/2024, toàn tỉnh có 53 con trâu, bò bị chết rét; tổng thiệt hại ước tính 306 triệu đồng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai tỉnh, huyện Ngân Sơn có số trâu, bò chết rét nhiều nhất với 18 con; tiếp đến là huyện Bạch Thông chết 12 con; huyện Ba Bể chết 10 con; huyện Na Rì chết 7 con; huyện Chợ Mới chết 3 con; huyện Chợ Đồn chết 2 con; huyện Pác Nặm chết 1 con.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, trong thời tiết giá rét, người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống < 12 độ C); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi...) sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.

Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai cấp tỉnh cho biết, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương thành lập đoàn công tác đi cơ sở kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các thành viên Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tuy nhiên, do người dân nhiều địa phương còn thả rông vật nuôi lên rừng, không che chắn, chăm sóc cẩn thận dẫn đến giảm sức đề kháng ở vật nuôi, cộng với thời tiết trên các vùng núi cao khắc nghiệt, nhất là những đối tượng như bê, nghé vài tháng tuổi dễ bị tác động trực tiếp tới sức khỏe.

Hiện nay, Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai cấp tỉnh tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai tỉnh thường xuyên cập nhật, chuyển các bản tin cảnh báo đến các địa phương.

Ban Chỉ huy, cơ quan thường trực cấp huyện đã kịp thời tổ chức kiểm tra công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho vật nuôi tại các xã, thị trấn; tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho người và vật nuôi./.

Bích Huệ (tổng hợp)