PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/03/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ Đồn phát huy thế mạnh từ cây quế
Cây quế đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp bà con vùng cao Chợ Đồn giảm nghèo, góp phần chống sạt lở đất, bảo vệ môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với hơn 1.500 ha, Chợ Đồn là địa phương đang dẫn đầu tỉnh về phát triển diện tích cây quế, cũng nhờ cây trồng này mà nhiều hộ dân trên địa bàn có cuộc sống ổn định, khấm khá.

Ông Phạm Bá Lanh ở thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo là hộ điển hình có thu nhập khá từ việc trồng quế. Từ năm 1991, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng ông là người tiên phong đưa cây quế vào trồng tại địa phương, mới đầu, không ít người còn hoài nghi và chưa tin vào cách làm của ông. Giống quế trồng trên đất đồi hợp đất và khí hậu, phát triển nhanh, chỉ hơn 10 năm, gia đình đã được thu hoạch, bán thành tiền. Nhận thấy đây là cây có tiềm năng, ông mạnh dạn mở rộng thêm diện tích, đồng thời vận động các hộ trong vùng cùng làm theo. Đến nay, ông Lanh đã có gần chục ha quế, năm 2018, cao điểm ông bán cả đồi quế thu về gần 1 tỷ, nhờ đó, ông có tiền xây nhà cửa, nuôi 3 người con ăn học đại học. “Nếu không có cây quế thì việc phát triển kinh tế gia đình cũng như các hộ dân ở đây sẽ rất khó khăn do đất sản xuất ít. Nhờ cây trồng này mà đời sống ở thôn, xã cải thiện rõ rệt, nhiều hộ xây dựng được nhà cửa cũng từ bán quế”, ông Lanh cho biết.

Người dân Chợ Đồn khai thác vỏ quế

Quế là cây lâm nghiệp lâu năm, có giá trị kinh tế cao, với 1 ha cây 15 năm tuổi thu về từ 300 - 500 triệu đồng, so với các loại cây trồng khác, quế khai thác được hết cả cây, từ vỏ, thân, cành, lá đều bán ra được thị trường. Nhờ những ưu điểm đó mà cây quế luôn được nhiều hộ dân lựa chọn phát triển kinh tế dài lâu.

Ông Nguyễn Xuân Thạo ở thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo cũng không ngoại lệ, những năm trước đây, gia đình ông cũng thuộc diện khó khăn vì ít đất sản xuất nhưng nhờ có các chương trình hỗ trợ của Nhà nước nên ông mới có đất để canh tác. Hiện ông có khoảng 6 ha quế ở nhiều lứa tuổi khác nhau, mỗi năm từ bán tỉa ông cũng thu nhập lên đến vài chục triệu đồng. Không giấu diếm, ông cho hay là có năm chỉ từ 230 cây quế (tuổi đời gần 20 năm) nhưng đã thu về 180 triệu đồng, ngôi nhà ông đang ở cũng phần lớn từ bán quế.

Trưởng thôn Nà Ngà Bùi Đức Cảnh cho biết, Nà Ngà có diện tích quế lên đến 200 ha, chiếm nhiều nhất ở xã Đại Sảo, ở thôn gần như nhà nào cũng có đồi quế, so với cây lâm nghiệp khác, cây quế có giá trị cao. Tuy nhiên, giá quế đôi lúc bấp bênh, nếu có doanh nghiệp thu mua, chế biến, sản xuất tại đây thì sẽ thuận lợi rất nhiều cho người dân trong việc tiêu thụ.

Theo những người trồng quế lâu năm thì quế là cây lâm nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với thời tiết của Chợ Đồn, cây chỉ mất 3 năm đầu trồng, chăm sóc, đến năm thứ 5 trở đi cây khép tán, không phải làm cỏ. Giá vỏ quế thị trường mua khá cao, năm cao điểm bà con bán được 30.000 đồng/kg, thấp gần 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, cây phù hợp trên đất thịt pha cát, có độ tơi xốp, phát triển nhanh nếu được bón lót, bón thúc phân ở giai đoạn đầu.

Xuất phát từ nhu cầu của người dân, hằng năm, cây quế đều được đưa vào cơ cấu cây lâm nghiệp của huyện. Thông qua hình thức tập trung và phân tán, diện tích quế toàn huyện đã phát triển lên 1.500 ha, đây là giống cây phù hợp ở hầu hết các xã, thị trấn nhưng được trồng nhiều nhất là các xã phía Nam, phía Tây như Đại Sảo, Nghĩa Tá, Bình Trung, Yên Phong, Yên Mỹ; nhiều năm qua, mặc dù thị trường biến động nhưng đây vẫn là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập khá cho phần lớn đồng bào. Trên địa bàn, các cơ sở vườn ươm giống cũng đưa cây quế vào ươm nhằm đáp ứng nhu cầu trồng mới của Nhân dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế từ cây quế, các địa phương đã tận dụng mọi địa hình, quỹ đất trống để trồng, diện tích cây quế trên địa bàn huyện Chợ Đồn đang ngày càng mở rộng và dần trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương trong giảm nghèo. Niềm tin của người dân về cây quế được củng cố bằng nguồn thu hằng ngày từ việc bán cành, lá quế. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để cây quế tiếp tục ăn sâu, bám rễ, trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang đến ấm no sung túc cho đồng bào các dân tộc ở địa phương./.

Thu Trang