PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển đổi số - Nền tảng để hướng tới nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả
Với nguồn nhân lực và cơ sở vật chất được đầu tư, ngành Y tế đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong các hoạt động, từng bước hướng tới nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động về CĐS, những năm qua, Sở Y tế tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền các văn bản, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS. Đồng thời, thông tin các nội dung về CĐS, tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của CĐS, chính quyền số, công nghệ số; các cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Tuyên truyền về các giải pháp phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT là tiền đề góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình CĐS, thời gian qua, Sở Y tế đã quan tâm chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức CNTT, không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng. Hiện nay, ngành có 9 viên chức có trình độ chuyên môn về CNTT, gồm 1 thạc sĩ, 8 kỹ sư, cử nhân CNTT.

Nhân viên Trung tâm Y tế thành phố tích cực ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh

Đến nay, các đơn vị khám chữa bệnh đã cơ bản hoàn thiện hệ thống mạng LAN, WAN, Internet kết nối với hệ thống máy tính. 100% trạm y tế xã đã nâng cấp và sử dụng mạng ADSL, 100% bệnh viện, Trung tâm y tế có kết nối cáp quang đảm bảo đạt dung lượng đường truyền tốc độ cao. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống thiết bị đọc mã vạch thẻ bảo hiểm y tế thay thế cho việc nhập thủ công trước đây, nhờ đó làm giảm thời gian đăng ký khám chữa bệnh và tránh soi sót thông tin hành chính của người bệnh. Việc triển khai hệ thống xếp hàng tự động, hiển thị số khám tự động cũng giúp tiết kiệm thời gian khám bệnh, đem lại sự chủ động cho người bệnh.

Những năm gần đây, ngành Y tế đã ứng dụng hiệu quả các phần mềm về thống kê y tế; quản lý tiêm chủng Covid-19; Hệ thống quản lý văn bản; phần mềm một cửa điện tử và hệ thống thư điện tử công vụ. Đồng thời, triển khai các phần mềm chuyên ngành như Quản lý bệnh viện (HIS), quản lý trạm y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, quản lý nhà thuốc và bán thuốc kê đơn, quản lý tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý tài chính, kế toán, hóa đơn điện tử. Cán bộ nhân viên y tế đã có thói quen sử dụng phần mềm, nhờ vậy giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo được thực hiện nhanh, chính xác; người bệnh rút ngắn được các thủ tục hành chính, giảm thời gian khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giảm thiểu việc sử dụng văn bản giấy. Toàn ngành đã thực hiện ký số điện tử và số hóa 100% văn bản điện tử đúng quy định. Thực hiện gửi nhận văn bản, công việc qua môi trường mạng, hệ thống mail công vụ đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác.

Sở Y tế đã xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa gồm các điểm cầu tại Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Hệ thống này đã giúp nâng cao hiệu quả công việc và bảo đảm việc trao đổi thông tin đến các cơ quan được kịp thời thông suốt, giảm chi phí tổ chức hội họp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác điều hành của các cấp lãnh đạo, ngay cả trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.

Đến nay, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử đã được Sở Y tế triển khai tại 119 đơn vị. Phần mềm này đã giúp người dân khi đi khám bệnh được quản lý thông suốt, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh. Cũng nhờ đó, bác sĩ có thể nhanh chóng tìm được các thông tin về sức khỏe của người bệnh, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

Để từng bước hướng tới nền y tế hiện đại, đến nay, tất cả người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống. Sở Y tế đang phối hợp với đơn vị cung cấp tiếp tục cập nhật, “làm sạch” dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh trên phần mềm HIS. Khi người dân thực hiện xong việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hồ sơ khám chữa bệnh sẽ được chuyển tự động theo thời gian thực vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.

Dịch vụ hóa đơn điện tử đã được tích hợp trên phần mềm khám chữa bệnh (HIS) giúp thuận tiện trong quá trình thống kê và báo cáo. Đồng thời, giúp giảm thời gian trong việc đặt in, thông báo phát hành hóa đơn, tiện dụng trong bảo quản, lưu trữ hoá đơn so với sử dụng hoá đơn giấy, thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu. Năm 2023, Sở Y tế đã giao chỉ tiêu kế hoạch yêu cầu các đơn vị áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình CĐS của ngành Y tế cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Hiện nay, các đơn vị khám chữa bệnh công lập trên địa bàn đã tổ chức triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. Tuy nhiên, theo thống kê, đến ngày 10/11/2022, có 12.758 trường hợp sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám chữa bệnh, tuy nhiên chỉ có 5.222 trường hợp thành công (chiếm 40%). Nguyên nhân do đại đa số người dân đã quen với việc  sử dụng  thẻ BHYT  bằng  giấy hoặc VSSID (điện  tử). Hạ tầng CNTT tại các bệnh viện thiếu đồng bộ, năng lực CNTT của nhân viên y tế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc…

Khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phát triển CNTT, CĐS nhằm xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời./.

Ngọc Tú