PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/12/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển đổi số ở Bạch Thông
Huyện Bạch Thông đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển nhanh và bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chị Lý Thị Quyên - Giám đốc HTX Thiên An (phải) bán hàng trực tuyến

Năm 2020, xã Vi Hương được lựa chọn là một trong 7 xã trong toàn quốc triển khai thí điểm chương trình chuyển đổi số xây dựng xã thông minh. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, Hợp tác xã Thiên An được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng. Cùng với việc được đầu tư về cơ sở vật chất như máy tính, máy in hiện đại cùng các trang thiết bị cần thiết khác, các thành viên Hợp tác xã được tham gia tập huấn, tìm hiểu về chuyển đổi số, được tư vấn những nội dung chuyển đổi số phù hợp với điều kiện đặc thù ở địa phương. Ngoài ra, Hợp tác xã được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá về các sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp...

Chị Lý Thị Quyên - Giám đốc Hợp tác xã Thiên An chia sẻ, chương trình chuyển đổi số - bán hàng trên nền tảng công nghệ số đã tạo nên làn gió mới giúp Hợp tác xã thay đổi tư duy, liên tục đổi mới sáng tạo, là cơ hội để Hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Khi mới thành lập năm 2015, Hợp tác xã chỉ có 12 thành viên với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng thì đến nay, Hợp tác xã đã có 22 thành viên, vốn điều lệ tăng lên là 1,5 tỷ đồng.

Hiện nay, Hợp tác xã Thiên An có 9 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và được Chi nhánh Viettel Bắc Kạn hỗ trợ bản quyền phần mềm quản lý hàng hóa Shopone. Hợp tác xã cũng đã quản lý hàng hóa, hàng tồn kho, khách hàng, doanh thu trên nền tảng công nghệ thông tin một cách khoa học và hiệu quả. Đối với việc vận chuyển hàng hóa, Hợp tác xã phối hợp với Viettel Post và VNPost nên việc chuyển sản phẩm tới khách hàng được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Năm 2023, xã Quang Thuận là một trong 8 xã được tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm về chuyển đổi số. Chủ tịch UBND xã Nông Văn Bình cho biết, thực hiện chuyển đổi số, xã đã triển khai hiệu quả phần mềm một cửa điện tử, hồ sơ công việc phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, cá nhân; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm, làm việc khoa học, hiệu quả hơn của đội ngũ cán bộ, công chức. chuyển đổi số đã được thực hiện trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, thông qua các nhóm zalo, facebook... giúp Nhân dân nắm bắt nhanh hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các thông tin về sản xuất nông lâm nghiệp, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện chuyển đổi số đã từng bước giúp cho nền kinh tế địa phương phát triển hơn, các sản phẩm của Hợp tác xã Đại Hà, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao BKFOODS được mở rộng thị trường, được nhiều khách hàng ủng hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình động viên các cán bộ thực hiện nhiệm vụ
tại bộ phận Một cửa xã Quang Thuận

Nhằm thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số, huyện Bạch Thông đã quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện. Hiện nay, bộ phận Một cửa cấp huyện được trang bị 4 máy tính, 1 máy photo có chức năng scan; bộ phận Một cửa cấp xã được trang bị 56 máy tính, 7 máy photo, 9 máy scan và 5 máy photo có chức năng scan. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai đến 14/14 xã, thị trấn thuộc huyện. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn đã có mạng LAN, có kết nối Internet băng thông rộng; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, 95% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính để làm việc. UBND huyện đã bố trí 2 công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền số; 100% các cơ quan, tổ chức và cá nhân lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện, các tổ chức đoàn thể huyện, HĐND, UBND, Ủy ban MTTTQ các xã, thị trấn, các đơn vị trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện đã được cấp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, đảm bảo các quy định trong việc ký, ban hành văn bản điện tử. Toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 133 thành viên; có 139/139 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn được thành lập với 751 thành viên. Huyện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 3 lớp tập huấn về chuyển đổi số cho đối tượng là Đoàn thanh niên cấp xã, cấp thôn; 12/14 đơn vị xã, thị trấn, 3 phòng, ban chuyên môn huyện tham gia khóa đào tạo về chuyển đổi số  bảo đảm an toàn thông tin mạng qua nền tảng học trực tuyến của Học viện Chuyển đổi số Việt Nam…

Đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số, thời gian qua, huyện Bạch Thông đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều nội dung. Riêng trong năm 2023, huyện đã triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ phiên thị trấn Phủ Thông; triển khai thực hiện thí điểm về chuyển đổi số tại xã Quang Thuận; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số năm 2023 cho hơn 100 đoàn viên, thanh niên là thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở dịch vụ, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện. Hiện nay, UBND huyện đã đăng ký cho 14/14 đơn vị xã, thị trấn tham gia các khóa đào tạo về chuyển đổi số qua nền tảng trực tuyến Moocs của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện thời gian qua cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ được các cơ quan, đơn vị ngày càng quan tâm. Lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm, chỉ đạo hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số tại đơn vị. Kết quả ứng dụng đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi thói quen làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc và thủ tục hành chính, đồng thời đã góp phần tiết kiệm kinh phí hành chính. Nhiều cá nhân đã chủ động học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT phục vụ công việc.

Mặc dù đã đạt một số kết quả tích cực nhưng công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện còn có một số tồn tại như: Việc hướng dẫn và tạo tài khoản dịch vụ công cho người dân còn gặp nhiều khó khăn nên người dân ngại sử dụng các dịch vụ công khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính; việc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công phải trải qua nhiều bước, đòi hỏi người sử dụng phải có kỹ năng ứng dụng CNTT nhất định thì mới nộp hồ sơ thành công, gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến; việc tiếp cận, sử dụng các thiết bị di động thông minh để đăng nhập, sử dụng tài khoản định danh điện tử chưa phổ biến; việc sử dụng tài khoản định danh điện tử và tích hợp các giấy tờ trên thẻ căn cước công dân chưa bắt buộc, do vậy, công dân đến cấp tài khoản định danh điện tử còn hạn chế…

Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu trong việc đôn đốc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là việc sử dụng phần mềm “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông” và dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng hoạt động và chỉ số hài lòng của người dân; chỉ đạo cán bộ tại bộ phận “Một cửa” thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, tổ chức đến giao dịch thực hiện nộp hồ sơ trên môi trường mạng; tăng cường tuyên truyền về lợi ích dịch vụ công trực tuyến để người dân, tổ chức biết và khai thác sử dụng; cán bộ, công chức nâng cao hơn nữa tinh thần tự học hỏi, nghiên cứu sử dụng các phần mềm dùng chung và ứng dụng CNTT trong công việc; thực hiện tốt kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chỉ số CĐS của huyện../.

Hương Dịu