PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Nhằm ghi nhận sự đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Phát huy truyền thống, những năm qua đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với giới công thương năm 1946 (Ảnh tư liệu)

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Cách đây 76 năm, ngày 13/10/1945, mặc dù đất nước mới giành được độc lập, còn bộn bề với nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho giới Công thương Việt Nam nhằm động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân. Trong bức thư Bác viết “...Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…” (Trích “Thư Bác Hồ gửi giới công thương Việt Nam” trên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam). Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới công thương và nhiều doanh nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp, đóng góp cho “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng”, đảm bảo hoạt động của chính quyền cách mạng ngày đầu thành lập, đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, trong những năm tháng chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ngành công thương đã đóng vai trò quan trọng, nhất là trong giai đoạn khó khăn chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được khẳng định.

Để ghi nhận sự đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hằng năm, ngày 13/10 sẽ là dịp tôn vinh đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Cùng với sự ghi nhận, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân thông qua các chỉ thị, nghị quyết. Đặc biệt, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đối với tỉnh Bắc Kạn, để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp….

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.100 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 1.600 tỷ đồng. Những năm qua, các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách địa phương, hoạt động xuất nhập khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định trật tự xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, quyết tâm, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng các cấp, các ngành trong phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lê Thanh Hải động viên đoàn cán bộ y tế của tỉnh
trước khi lên đường tham gia hỗ trợ tỉnh Đồng Nai phòng chống dịch Covid-19 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lê Thanh Hải cho biết, với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên, doanh nghiệp. Hiệp hội đã phối hợp với các sở, ngành địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội từng bước hoàn thành mục tiêu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền những kiến nghị, đề xuất và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Với sự nỗ lực, đoàn kết, trí tuệ của đội ngũ doanh nhân, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp tỉnh sẽ vượt qua khó khăn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững./.

Hương Dịu (tổng hợp)