PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đưa chính sách tín dụng đến với người dân
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh luôn nỗ lực triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo về chế độ, chính sách tín dụng của Trung ương cũng như chủ động tham mưu có hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phân bổ nguồn vốn được giao. Từ đó đã giúp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ chính sách.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bắc Kạn giải ngân tại phường Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn)

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, tính đến hết tháng 6/2022, doanh số cho vay đạt hơn 575,8 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2021 hơn 94,7 tỷ đồng, với hơn 10.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ đạt hơn 2.544 tỷ đồng, tăng hơn 240 tỷ đồng so với 31/12/2021, tốc độ tăng trưởng 10,42%, hoàn thành 69,9% tổng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao.

Những năm qua, để chính sách đến được đúng các đối tượng cần vay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền đến đối tượng; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nắm bắt nhu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng để hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục vay đảm bảo đúng các quy định. Đối với các chương trình cho vay, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng luôn chú trọng chỉ đạo, triển khai đến các Ngân hàng CSXH cấp huyện làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tại các buổi giao dịch định kỳ hàng tháng về các điểm mới, chính sách mới để chính quyền, các hội đoàn thể nhận ủy thác cũng như các tổ trưởng tổ Tiết kiệm và Vay vốn nắm bắt kịp thời, thông tin đến các hội viên biết tổ chức triển khai, thực hiện.

Thành phố Bắc Kạn là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH tại địa bàn thành phố đạt trên 190 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng (gấp 9,3 lần) so với thời điểm mới đi vào hoạt động, với 15 chương trình tín dụng chính sách. Trong 20 năm thực hiện, thông qua Ngân hàng CSXH, có trên 33.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của thành phố được vay vốn với doanh số cho vay đạt 634 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 446 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 400 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động; giúp gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 5.100 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường... Việc tiếp cận nguồn vốn đã góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần giúp thành phố Bắc Kạn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Còn tại huyện Pác Nặm, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân kịp thời các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Đến nay, toàn huyện đã có trên 34.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ chương trình với tổng dư nợ trên 866 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 3.100 lượt hộ vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho trên 1.880 lao động; xây dựng hơn 3.700 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 800 nhà ở cho hộ nghèo; gần 700 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập... Với địa phương còn nhiều khó khăn như Pác Nặm thì nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là điểm tựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng chính sách vươn lên phát triển kinh tế.

Quá trình thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và khẳng định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, lãi suất ưu đãi đã giúp hoạt động tín dụng chính sách là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương và các bên liên quan thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ được giao. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải ngân các chương trình tín dụng chính sách phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch xã, hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau giải ngân để bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả./.

Hương Lan