PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/07/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam - Dấu son của ngoại giao Việt Nam
Cách đây 70 năm, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (ảnh tư liệu)

Chiến thắng Điện Biên phủ đưa Việt Nam đến Hội nghị Giơnevơ

Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã liên tiếp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh, buộc Nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với ý chí quật cường, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động mọi nguồn lực quyết tâm đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Cuối năm 1953, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao.

Ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “Nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì Nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”, “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”…

Ngày 25/1/1954, Hội nghị Ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp tại Béclin (Đức); ngày 18/2/1954, các bên thỏa thuận sẽ triệu tập Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự ủng hộ của nhiều nước lớn.

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Giơnevơ khai mạc và bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên. Đây cũng là thời điểm quân và dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi đợt hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ; quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm lâm vào tình thế nguy khốn. Tuy nhiên cho đến lúc này, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia Hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 1/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở rộng đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 2/5/1954, Anh, Pháp, Mỹ thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Một ngày sau, ngày 8/5/1954, Hội nghị bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương.

Hiệp định Giơnevơ khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng (áo khoác trắng, đứng giữa) - Trưởng đoàn đàm phán
của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơnevơ (ảnh tư liệu)

Tham gia Hội nghị Giơnevơ, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là yêu cầu đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn với nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết ngày 21/7/1954. Theo đó, các nước tham gia Hội nghị tuyên bố công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của Nhân dân ba nước Đông Dương: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước; Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước; mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước…

Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam tạm thời chia cắt thành 2 miền qua vĩ tuyến 17, không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam. Hiệp định quy định rõ ràng rằng cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước ta sẽ tổ chức vào tháng 7 năm 1956.

Dấu son của ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Hiệp định Giơnevơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do của dân tộc. Việc ký kết dựa trên căn cứ và phần nào phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, song “ký Hiệp định Giơnevơ là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ”.

Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia Hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.

70 năm đã trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhưng Hội nghị Giơnevơ vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Kể từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, đặc biệt từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, “Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như ngày nay”./.

Hương Dịu (tổng hợp)