PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Sáng 25/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Toàn cảnh Hội nghị

Hiện nay, tổng đàn vật nuôi của tỉnh có trên 57 nghìn con trâu, bò, ngựa; trên 181 nghìn con lợn; gần 2.167 nghìn con gia cầm; trên 23.300 con dê. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 14.142 tấn, đạt 46% KH.

Đối với chăn nuôi lợn, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trang trại chăn nuôi lợn đi vào sản xuất, quy mô đàn nái trên 13 nghìn con, quy mô đàn lợn thịt 10 nghìn con; dự kiến hằng năm xuất bán trên 300 nghìn con lợn giống và trên 20 nghìn con lợn thịt.

Từ đầu năm đến nay, bệnh Dại động vật xảy ra tại xã Bản Thi, xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn và xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tổng số chó mắc bệnh, tiêu hủy là 21 con. Hiện nay, xã Bản Thi, xã Đại Sảo và xã Đức Vân đã công bố hết dịch.

Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) tái phát trở lại; từ ngày 30/5 - 23/6/2024, bệnh VDNC xảy ra tại 41 hộ, 15 thôn, 5 xã thuộc 2 huyện Ngân Sơn và Ba Bể làm 74 con bò mắc bệnh, trong đó chết 2 con.

Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng. Từ ngày 1/1 - 23/6/2024, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 2.555 hộ, 568 thôn, 96 xã thuộc 8 huyện, thành phố làm 11.314 con lợn chết, tiêu hủy với trọng lượng 452.570 kg. Hiện nay, có 2 xã đã công bố hết dịch, 7 xã đã qua 21 ngày không có lợn chết, tiêu hủy, 87 xã chưa qua 21 ngày.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo công tác phòng, chống bệnh DTLCP từ cấp tỉnh đến cơ sở. Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã vào cuộc, tích cực chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số nguyên nhân khiến bệnh DTLCP lây lan ra diện rộng là do: Đa số người chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học; người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh; công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định; việc tự tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn đạt tỷ lệ rất thấp, cơ bản chưa thực hiện được; công tác thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, vắc xin phòng bệnh, các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế…

Qua thảo luận tại Hội nghị cho thấy, thực tế hiện nay, các trang trại làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh như thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin, phun hóa chất tiêu trùng khử độc chuồng trại đến thời điểm này đều không bị ảnh hưởng bởi bệnh DTLCP. Tại huyện Bạch Thông, một số hộ gia đình tự tiêm phòng, thực hiện tốt cách ly chuồng trại nên đến nay vẫn bảo toàn được đàn lợn mặc dù bệnh DTLCP đã và đang diễn ra tại các hộ xung quanh.

Về các biện pháp nhằm sớm khống chế dịch bệnh, các đơn vị, địa phương thống nhất, ngoài việc phải quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, trong đó tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về tiêm vắc xin phòng DTLCP; thành lập các nhóm zalo, facebook … kịp thời phát hiện các hộ giấu dịch, bán chạy lợn bệnh để ngăn chặn, xử lý; thực hiện mô hình điểm tiêm vắc xin phòng DTLCP tại các huyện, thành phố…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất đề nghị các đơn vị, địa phương kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương; quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo; tập trung các nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đối với bệnh VDNC trên trâu, bò, các địa phương khẩn trương kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới theo hướng dẫn của ngành Thú y.

Đối với bệnh DTLCP, UBND các huyện, thành phố bám sát văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và địa phương để thực hiện nghiêm túc; tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để thực hiện công tác phòng, chống dịch trong điều kiện của từng địa phương; căn cứ các quy định Luật Thú y và tình hình thực tế để công bố dịch cấp huyện; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương thực hiện điểm mỗi huyện, thành phố 1 mô hình tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP với quy 100 - 200 con lợn; tham mưu cho UBND tỉnh xem xét việc công bố dịch bệnh cấp tỉnh; tập trung khuyến cáo người dân trong công tác tiêm phòng bệnh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ động kiểm tra, thăm nắm địa bàn được phân công để nắm bắt thông tin, đề xuất các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh; các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh…/.

Hương Dịu