PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khoảng lặng hiếm hoi ở Gaza
Ngày 16/6, quân đội Israel tuyên bố sẽ "tạm dừng" giao tranh hàng ngày quanh tuyến đường phía Nam Dải Gaza để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển viện trợ. Diễn biến này đã mở đầu cho một khoảng lặng hiếm hoi ở Gaza sau nhiều tháng chìm trong xung đột. Tuy nhiên đây chỉ là một giải pháp tạm thời, điều mà người dân Gaza đang trông chờ là một giải pháp lâu dài để chấp dứt xung đột.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Quân đội Israel tuyên bố tạm dừng giao tranh để thúc đẩy hàng viện trợ

Người dân Palestine cầu nguyện nhân dịp lễ Eid al-Adha bên đống đổ nát của nhà thờ Hồi giáo Al-Rahma bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 16/6/2024. (Ảnh: Reuters) 

Thông báo về việc "tạm dừng hoạt động quân sự mang tính chiến thuật, cục bộ" vào ban ngày tại một khu vực ở Rafah được quân đội Israel đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Israel bị tổn thất 11 binh sỹ trong các cuộc giao tranh khốc liệt ở Gaza.

Trong khi đó, các cơ quan của Liên hợp quốc và các nhóm viện trợ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác ở dải đất hẹp ven Địa Trung Hải. Tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do những biện pháp hạn chế tiếp cận đường bộ cùng với việc Israel đã đóng cửa khẩu Rafah quan trọng với Ai Cập kể từ khi chiếm giữ khu vực này vào đầu tháng 5 vừa qua.

Truyền thông nước ngoài dẫn tuyên bố của quân đội Israel nêu rõ: “Việc tạm dừng hoạt động quân sự mang tính chiến thuật tại địa phương vì mục đích nhân đạo sẽ diễn ra từ 8 giờ sáng (05:00 GMT) đến 7:00 tối (16:00 GMT) hàng ngày cho đến khi có thông báo mới, tại khu vực dọc theo con đường dẫn từ giao lộ Kerem Shalom đến đường Salah al-Din và hướng về phía Bắc”.

Một bản đồ do quân đội Israel công bố cùng ngày cho thấy tuyến đường nhân đạo được thực hiện lệnh ngừng giao tranh kéo dài tới bệnh viện châu Âu của Rafah, cách cửa khẩu biên giới Karm Abu Salem giữa Ai Cập-Gaza-Israel khoảng 10 km.

Quyết định tạm dừng các hoạt động quân sự chiến thuật vì mục đích nhân đạo được quân đội Israel đưa ra vào thời điểm các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới bắt đầu đón lễ Eid al-Adha, một trong hai lễ hội chính của đạo Hồi. Trong hai ngày cuối tuần qua, các tín đồ Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi đã tới các đền thờ Hồi giáo để cầu nguyện nhân lễ Eid al-Adha, với nhiều lời cầu nguyện hướng Dải Gaza đang chìm trong xung đột và nghèo đói hơn 8 tháng qua, kể từ sau khi nổ ra xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.

Sau khi lệnh tạm dừng các hoạt động quân sự được Israel công bố, người phát ngôn của Cơ quan phòng vệ dân sự tại Gaza - ông Mahmud Basal cho biết ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha tại nhiều khu vực khắp Gaza khá yên bình so với những người trước đó. Tuy nhiên, các khu vực này không bao gồm một số mục tiêu tại Shujaiya và Zeitun của thành phố Gaza, cũng như thành phố Rafah, khu vực phía Nam Gaza.

Theo ghi nhận của phóng viên hãng thông tấn AFP tại Gaza, không có báo cáo nào về các cuộc tấn công, pháo kích hoặc giao tranh xảy ra vào sáng 16/5. Trong khi đó, quân đội Israel cũng xác nhận quyết định tạm dừng giao tranh này đã có hiệu lực và là một phần trong nỗ lực "tăng khối lượng viện trợ nhân đạo" vào Gaza sau các cuộc thảo luận với Liên hợp quốc và các tổ chức khác.

Người dân Gaza mong đợi một giải pháp lâu dài chấm dứt xung đột

 Ngay cả khi trải qua khoảng lặng hiếm hoi, người dân Gaza vẫn phải đối mặt với nạn đói rình rập và nguy cơ xung đột có thể quay trở lại bất cứ khi nào. (Ảnh: Anadolu/Getty Images)

Ngay lập tức, người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) Jens Laerke đã hoan nghênh quyết định tạm dừng giao tranh của Israel. Bên cạnh đó, ông Laerke cho rằng, động thái này của Israel vẫn chưa thể thúc đẩy hàng viện trợ tiếp cận nhiều hơn tới những người có nhu cầu. Từ đó, ông kêu gọi Israel có biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề lâu dài liên quan đến nhu cầu viện trợ của người dân Gaza.

Việc tạm dừng có giới hạn các hoạt động quân sự ở Gaza được lực lượng Israel công bố sau các cuộc đàm phán với Ai Cập và áp lực từ Mỹ nhằm tăng dòng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khẳng định quyết định trên không nên được coi là “sự chấm dứt chiến sự ở phía nam Dải Gaza”. Các biện pháp tạm dừng giao tranh này đang được thực hiện dựa trên tinh thần phối hợp với Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ quốc tế ở Gaza.

Ngay trong ngày 16/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch được quân đội công bố về thực hiện các đợt tạm ngừng bắn chiến thuật hàng ngày dọc theo một trong những con đường chính dẫn vào Gaza nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng viện trợ vào dải đất mà 2 triệu người Palestine đang sinh sống. Theo truyền thông Israel, quyết định của phía quân đội dường như chưa được trình lên Nội các để thảo luận và điều đó đã khiến một số quan chức Israel không hài lòng. 

Quyết định của quân đội Israel cũng vấp phải sự chỉ trích từ Bộ trưởng an ninh quốc gia theo đường lối cực hữu của Israel – ông Itamar Ben-Gvir vì cho rằng “việc tạm dừng giao tranh chiến thuật, đặc biệt là để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza trong khi những người lính giỏi nhất của Israel đang thiệt mạng trong các cuộc giao tranh là một điều không hợp lý”.

Trong khi đó, ngay trong đêm 15/6, hàng chục nghìn người dân Israel đã đổ xuống các tuyến phố của thủ đô Tel Aviv để kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn ở Gaza. Những người này đồng thời cảnh báo họ sẽ tham gia vào hoạt động kéo dài 1 tuần để phản đối chính phủ của ông Netanayhu.

Cuộc tấn công quân sự kéo dài 8 tháng của Israel chống lại phong trào Hamas đã đẩy Gaza vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và khiến hàng trăm nghìn người Palestine đứng trước bờ vực nạn đói khi Israel chặn việc cung cấp viện trợ và cắt nguồn cung cấp nước vào Gaza. Trước bối cảnh trên, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Israel cho phép tiếp cận hàng viện trợ nhiều hơn để cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza.

Tuy nhiên, phản ứng của ông Netanyahu đã cho thấy những căng thẳng chính trị xoay quanh vấn đề viện trợ đến Gaza ngay cả khi nhiều tổ chức quốc tế đang lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng tại khu vực này. Điều đó cũng cho thấy sự bất đồng quan điểm giữa phía Chính phủ và quân đội Israel khi cuộc xung đột với Hamas đã kéo dài sang tháng thứ 9.

Trong một tuyên bố mới đây, Phó giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Carl Skau cho biết, tình hình thực tế hiện nay ở Dải Gaza thì việc cung cấp mức viện trợ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thực địa đã trở nên "gần như không thể".

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 cũng nhấn mạnh những nỗ lực thúc đẩy quyền tiếp cận của các cơ quan viện trợ ở Gaza, đồng thời kêu gọi "chuyển hàng cứu trợ nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở cho dân thường đang gặp khó khăn".

Những rạn nứt bên trong nội bộ Israel và tình hình trên thực địa cho thấy, việc quân đội "tạm dừng" giao tranh hàng ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển viện trợ hàng nhân đạo vào Gaza chỉ là một giải pháp tạm thời, trong khi tính hiệu quả của biện pháp này cũng chưa rõ sẽ phát huy tới mức độ nào. Người dân Gaza đang trông chờ vào một giải pháp lâu dài để chấp dứt xung đột. Ngay cả khi trải qua khoảng lặng hiếm hoi, người dân Gaza vẫn phải đối mặt với nạn đói rình rập và nguy cơ chiến tranh có thể quay trở lại bất cứ khi nào./.

Theo dangcongsan.vn