PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng
Với việc huy động các nguồn nội lực trong nước và phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam sẽ khôi phục được kinh tế, tiếp tục giữ được “mục tiêu kép” và tăng trưởng kinh tế.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Quang cảnh buổi họp báo tại trụ sở TCTK (Ảnh: HNV)

Sáng ngày 6/01/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo.

Tham dự buổi Họp báo còn có bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành; đại diện các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. Buổi Họp báo được kết nối với 63 điểm cầu trực tuyến tại Cục Thống kê của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại buổi Họp báo, TCTK đã công bố số liệu lao động việc làm quý IV và năm 2020 và báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam. Theo báo cáo, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới năm 2020. Tuy nhiên, tình hình lao động, việc làm quý IV/2020 có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người làm công hưởng lương có xu hướng tăng so với các quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý IV mặc dù giảm so với quý III nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong quý IV năm 2020, lực lượng lao động tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III năm 2020 nhưng vẫn chưa thể trở về trạng thái của cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,6%. Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%. Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động. Nói cách khác, dịch COVID-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.

Trong quý IV năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là gần 54 triệu người, giảm gần 945 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,6 triệu người giảm 90,2 nghìn người, ở khu vực nông thôn là 35,9 triệu người, giảm 854,3 nghìn người so với quý IV năm 2019. Tính chung năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với năm 2019.

Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV năm 2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212 nghìn đồng so với quý trước và giảm 108 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128 nghìn đồng).

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 là 2,37%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch COVID-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý IV năm 2020 cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,77 điểm phần trăm.

Phát biểu tại Họp báo, bà Valentina Barcucci bày tỏ tin tưởng việc kiểm soát COVID-19 hiệu quả của Chính phủ Việt Nam sẽ là động lực và làm bản lề cho các thiết kế chính sách trong điều chỉnh kinh tế nói chung và lao động nói riêng.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, dịch COVID -19 vẫn tiếp tục bùng phát với các biến thể phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, do đó, đánh giá triển vọng và xu hướng tương lai gặp khó khăn. Tuy nhiên, bà Thủy cũng bày tỏ tin tưởng với việc huy động các nguồn nội lực trong nước và có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam sẽ khôi phục được kinh tế, nhất là tiếp tục giữ “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch hiệu quả và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo lao động việc làm.

Trả lời câu hỏi của báo chí về tỷ lệ việc làm giảm nhưng GDP vẫn tăng, liệu có phải do năng suất lao động tăng hay không, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động lý giải: Trong báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội công bố ngày 27/12 vừa qua, năng suất lao động có tăng 5.4%, so với GDP tăng 2.91%, do đóng góp tăng trưởng quy mô GDP chủ yếu từ khối doanh nghiệp với khoảng 60% đóng góp vào GDP và một số ngành có mức tăng trưởng tốt (công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng…)

Kết quả điều tra lao động việc làm các quý năm 2020 cho thấy dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến người lao động trong việc tham gia thị trường lao động và tạo thu nhập từ việc làm. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể mới của vi rút gây mức độ lây lan nhanh chóng như hiện nay, dự báo ảnh hưởng của dịch tới đời sống và sản xuất sẽ rất khó lường trong thời gian tới. Để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch để vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh, cần thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó:

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế./.

dangcongsan.vn