PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/01/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Năm 2023, phấn đấu huy động vốn và dư nợ tăng từ 8 - 10%
Trên cơ sở dự báo tình hình và hoạt động thực tế của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn, ngành Ngân hàng đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu và xác định các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu năm 2023.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Phòng Giao dịch thành phố giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách tại phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn

Với nhiều nỗ lực cố gắng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 31/12/2022 đạt 12.072 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2021; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 11.856 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2021; nợ xấu chiếm 0,55% trong tổng dư nợ.

Ngành Ngân hàng phấn đấu năm 2023, huy động vốn tăng từ 8 - 10% so với cuối năm 2022; dư nợ tăng từ 8 - 10% so với cuối năm 2022; nợ xấu chiếm tỷ lệ dưới 3% trong tổng dư nợ. Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Để thực hiện mục tiêu hoạt động ngân hàng năm 2023, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ chủ động nghiên cứu, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Phối hợp với các sở, ban, ngành trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được tỉnh phân công; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp quản lý hoạt động của tổ chức tín dụng, giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là khi triển khai thực hiện các chính sách, chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện các chương trình của ngành Ngân hàng theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng. Trong đó hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chú trọng vốn cho các lĩnh vực, kinh tế xanh, có lợi ích cho môi trường. Áp dụng đa dạng sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng theo quy định; chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.

Tập trung triển khai công tác thanh tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng ngoài địa bàn có giá trị lớn, giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các chi nhánh tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Nâng cao chất lượng công tác giám sát an toàn vi mô. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, hoạt động đại lý kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. 

Toàn Ngành tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện các giải pháp an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, thanh toán điện tử. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, triển khai ISO trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.../.

Hương Lan