PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Người ươm “mầm xanh” cho đất
Từ hơn 1 ha đất rừng do chính quyền cấp, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Lường Văn Chiến, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn đã cùng gia đình miệt mài khai phá, cải tạo để phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cựu TNXP Lường Văn Chiến (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn)

Vượt qua con đường đá mấp mô, chúng tôi tìm đến thôn Nà Quân, xã Phương Viên để thăm mô hình kinh tế của cựu TNXP 74 tuổi Lường Văn Chiến. Dưới cái nắng hè oi ả, ông Chiến đưa chúng tôi đi thăm những vườn quýt vừa mới ra quả. Nhìn những hàng cây xanh mướt, tốt tươi, chúng tôi cảm thấy mát lòng. Vừa đi ông vừa kể những câu chuyện khi còn là TNXP. Năm 20 tuổi, vào tháng 4 năm 1967, ông gia nhập TNXP của đơn vị N92 - An toàn khu Chợ Đồn (tỉnh Bắc Thái cũ) làm các công trình giao thông, thủy lợi ở huyện Chợ Đồn. Sau 2 năm tham gia phục vụ kháng chiến, ông được điều động đi làm công nhân lò đúc tại Công ty Gang thép Thái Nguyên rồi về làm cơ khí tại huyện Chợ Đồn. Đến năm 1975, ông trở về xã Phương Viên để làm kinh tế, tuy nhiên bước đầu gặp nhiều khó khăn.  

Năm 1990, sau khi được chính quyền cấp cho khu đất rừng rộng hơn 1 ha tại thôn Nà Quân, xã Phương Viên, gia đình ông Chiến quyết định đến đây khai hoang, phục hóa để ươm trồng “sự sống”. Ban đầu trồng ngô, rồi một số cây ăn quả như hồng, xoài, mận tam hoa kết hợp với chăn nuôi. Tuy nhiên, bước khởi đầu cũng gian nan vô cùng. “Do là khu đất hoang nên quá trình cải tạo mất rất nhiều thời gian và sức lao động. Có những giai đoạn trồng 100 cây xoài, mỗi cây mới cho bói được 2 - 3 quả, nguyên nhân vì cây trồng này không phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây”, ông Chiến nhớ lại.   

Ao cá có diện tích mặt nước 500 m2, được ông Chiến chăm sóc tốt nên cá lớn rất nhanh

Không khuất phục trước gian khó, với suy nghĩ khó ở đâu khắc phục ở đó, năm 2000, ông chuyển sang trồng cam, quýt nên đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập tương đối ổn định. Vừa làm vừa học hỏi, qua sách vở, các phương tiện truyền thông, ông được biết thêm về cách vun trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây… Sau một thời gian tìm hiểu, ông mở rộng diện tích, trồng thêm quế, hồi trên những ngọn đồi cao. Hầu hết các loài cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt, không lâu nữa sẽ cho thu hoạch.  

Ông đưa chúng tôi tới phía chân đồi để thăm vườn bí thơm rộng 4.000 m2. Cầm trên tay quả bí thơm mới hái để chuẩn bị cho bữa cơm trưa, ông nói trong sự phấn khởi: Mình sản xuất trước hết để phục vụ cho nhu cầu của gia đình, sau đó mới tiêu thụ ra ngoài thị trường. Các loài cây tại vườn nhà cho năng suất, chất lượng ngày càng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng...”. Hiện tại, trên mảnh đất này, hơn 1.000 cây quế, hơn 300 cây hồi, hơn 200 cây cam, quýt, 30 cây bưởi da xanh… được ươm trồng, hứa hẹn cho năng suất và sản lượng cao.

Trồng cam, quýt đã mang lại thu nhập khá cao cho gia đình ông Chiến

Hơn 30 năm qua, gia đình ông duy trì mô hình kinh tế tổng hợp, vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. Có những thời điểm nuôi được hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà ta rồi đào ao thả cá. Nhờ đó, gia đình có thêm nguồn thực phẩm sạch để cải thiện bữa ăn, vừa cung cấp ra thị trường, tạo thu nhập đảm bảo cho cuộc sống. Tuy nhiên, chăn nuôi thế nào để không ảnh hưởng ra môi trường xung quanh lại là vấn đề khiến ông trăn trở. Để khắc phục, ông cùng gia đình đi thu gom những bao mùn cưa, vỏ trấu mang về làm đệm lót sinh học cho chuồng trại. Ưu điểm của cách làm này đã ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do phân động vật, sau khoảng 3 - 4 năm sẽ thay đệm lót rồi tận dụng làm phân bón cho cây. Nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh biết đến mô hình này đã đến tận nơi để học hỏi, ông sẵn lòng hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho bà con. Theo bà Nông Thị Hồ ở thôn Nà Quân, xã Phương Viên nhận xét, ông Chiến có lối sống hòa đồng giản dị, sẵn sàng giúp đỡ bà con làng bản sản xuất nông nghiệp. Trước đây, cuộc sống của ông có nhiều khó khăn nhưng nhờ đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng cây nên đến nay cuộc sống đã sung túc hơn…

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả gia đình ông đã mang lại những kết quả đáng mừng, những năm gần đây, mỗi năm, gia đình ông Chiến thu về được khoảng hơn 300 triệu đồng từ việc trồng trọt và chăn nuôi. Khi được hỏi về bí quyết của sự thành công hôm nay, ông Chiến chia sẻ, điều quan trọng là cần có cần có chí hướng, có lòng kiên trì như lời Bác Hồ dạy “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Theo chị Hoàng Thị Thúy - Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Phương Viên: “Bác Chiến là một con người rất điềm đạm, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm về làm kinh tế, bác vẫn thường kể cho chúng tôi những kỷ niệm khi còn là TNXP. Qua đó, thế hệ trẻ thêm trân trọng công lao của các thế hệ đi trước để lập thân lập nghiệp, sống sao cho xứng đáng với truyền thống của cha ông…”.

Ông Chiến thu hoạch bí thơm

Ngoài làm kinh tế giỏi, trên cương vị là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Phương Viên, ông Lường Văn Chiến đã có rất nhiều nỗ lực trong các hoạt động của Hội, luôn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên cùng phát triển kinh tế; hoàn thiện các loại hồ sơ liên quan đến các chế độ chính sách cho hội viên; ân cần thăm hỏi, động viên khi có hội viên đau ốm hay qua đời... Với những cố gắng về nhiều mặt, cựu TNXP Lường Văn Chiến vinh dự nhận được nhiều thành tích khen thưởng của Hội Cựu TNXP các cấp.

Tới thăm mô hình kinh tế của ông Chiến, chúng tôi không khỏi khâm phục trước ý chí và nghị lực của ông. Dù tuổi đã cao, tóc đã bạc và sức khỏe cũng không còn nhiều nhưng ông vẫn luôn phát huy tinh thần của người TNXP trong kháng chiến chống Mỹ ngày nào. Ông thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo./.

Ngọc Tú