PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
PTT Lê Văn Thành: Việt Nam quyết tâm chuyển đổi từng bước sang nguồn năng lượng sạch
Sáng nay 19/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 hay còn gọi là Quy hoạch điện 8.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo, hệ thống điện của Việt Nam được đánh giá là một hệ thống có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 9,7%/năm, tương ứng điện thương phẩm đạt 216,83 tỷ kWh năm 2020. Đến hết năm 2020, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là hơn 69.000 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, đứng thứ 23 thế giới; tổng công suất nguồn điện tăng thêm khoảng 13%/năm. Tuy nhiên, mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống khá thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn vận hành chung của hệ thống điện nên việc vận hành hệ thống còn gặp nhiều khó khăn. Các loại hình nguồn điện phân bổ không đều theo các miền.

Tại hội nghị, cơ bản các đại biểu đồng tình cao dự thảo Quy hoạch lần này, thể hiện sự chuẩn bị khá công phu, trong đó, đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã rất công khai, cầu thị, thận trọng cân nhắc kỹ nhiều yếu tố, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch Điện 8 với chất lượng cao nhất. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm xác định tổng công suất nguồn và tỷ lệ dự phòng phù hợp; bố trí nguồn điện hợp lý, cân đối giữa các vùng, miền để tiết kiệm tối đa đầu tư hệ thống truyền tải; giải pháp và lộ trình chuyển đổi từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tỷ lệ từng loại nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Quy hoạch điện 8 là quy hoạch ngành quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, phải được tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phù hợp với những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng điện và xu thế thời đại; thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về bảo vệ môi trường, đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cân đối giữa các vùng, miền, địa phương.

Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện được những mục tiêu này, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất thận trọng, phân tích cụ thể từng phương án và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có một quy hoạch tối ưu nhất. Phó Thủ tướng cho rằng, tổng nguồn điện thực hiện quy hoạch rất quan trọng, nếu xác định cao dễ dẫn đến đầu tư dàn trải, gây lãng phí, nếu xác định thấp hơn thì sẽ gây thiếu điện cho sản xuất. Phó Thủ tướng nhất trí với các chuyên gia, nhà khoa học xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 Megawatt, giảm hơn 28.000 Megawatt so với phương án trình tháng 3/2021. Nếu không tính điện mặt trời, hệ số dự phòng toàn quốc giảm từ hơn 69% xuống còn 43%, đảm bảo an toàn hệ thống.

Các đại biểu đóng góp ý kiên tại hội nghị

Phó Thủ tướng cũng nhất trí với nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học về việc dự thảo Quy hoạch Điện 8 đã có bước định hình quan trọng về tư duy và giải pháp bố trí nguồn điện phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền; hạn chế tối đa đầu tư đường dây và thất thoát trong công tác truyền tải. Theo đó, đã giảm hơn 6.600 km đường dây truyền tải, tương đương khoảng hơn 250.000 tỷ đồng đầu tư.

“Trong quy hoạch cần bám sát tinh thần và cam kết của Chính phủ và Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, trong đó, cần giảm điện than và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Vì vậy, cho rà soát một số dự án điện than, bởi chúng ta cam kết đến năm 2050 nên chỉ còn triển khai đến năm 2030 và sau năm 2030 phải rà soát kỹ. Đồng thời, trong quy hoạch tới cân nhắc thêm điện gió ngoài khơi”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Việt Nam quyết tâm chuyển đổi dần, từng bước sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong xây dựng và phê duyệt quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ bảo đảm tuyệt đối minh bạch, khách quan, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có một hội nghị với các địa phương để thống nhất bố trí các dự án nguồn điện phù hợp với đặc điểm riêng của từng vùng, miền, địa phương./.

Theo VOV.VN