PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quy định nội dung chi và mức chi đào tạo, bồi dưỡng những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Sở Tài chính đang thực hiện lấy ý kiến tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nội dung chi và mức chi đào tạo, bồi dưỡng những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo đánh giá, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Đối tượng được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức và có cả những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, họ là hội viên, đoàn viên của các tổ chức hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, quần chúng nhân dân (không bao gồm những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố). Những người này là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng làm cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, giữa công dân với Nhà nước, tham gia trực tiếp trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị từ cơ sở, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Qua rà soát, thống kê giai đoạn 2019 - 2022, tỷ lệ người không hưởng lương tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng như đào tạo sơ cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng phát triển đảng, đảng viên mới; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở; bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đoàn thể;... chiếm từ 55% - 70% trong tổng số học viên được đào tạo, bồi dưỡng tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện.

Tuy nhiên, những đối tượng trên không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 21/2018/NQ-HDND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong nước do ngân sách địa phương đảm bảo nên những năm qua, các Trung tâm Chính trị cấp huyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đối với những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Vì vậy, để các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước có cơ sở triển khai nhiệm vụ được chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời  khích lệ, tạo điều kiện cho các đối tượng này an tâm học tập, nâng cao kiến thức, bản lĩnh chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương, Sở Tài chính đã đề xuất xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo Dự thảo, đối tượng áp dụng là những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, những người không hưởng lương nhưng hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (ngoài đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố) được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.  

Về nội dung và mức chi bao gồm: (1) Chi thù lao giảng viên, báo cáo viên (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng); (2) Chi nước uống phục vụ lớp đào tạo, bồi dưỡng; (3) Chi phụ cấp tiền ăn cho giảng viên; (4) Chi phí tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ cho giảng viên; (5) Chi hỗ trợ một phần tiền ăn cho học viên trong thời gian đi học tập trung, chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về, nghỉ lễ, nghỉ tết); chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho học viên trong những ngày đi học tập trung tại cơ sở bồi dưỡng (trong trường hợp cơ sở bồi dưỡng và đơn vị tổ chức bồi dưỡng xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ); chi hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền nghỉ cho học viên trong những ngày đi thực tế; (6) Chi biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng mới; chi chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, tài liệu bồi dưỡng; (7) Các nội dung chi: Dịch thuật; ra đề thi, coi thi, chấm thi; khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc; các khoản chi phí theo thực tế phục vụ trực tiếp lớp học; chi trả tiền phương tiện đưa, đón học viên đi khảo sát, thực tế; chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng; chi văn phòng phẩm, các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Xem chi tiết tại đây./.

Bích Huệ (tổng hợp)