PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị tăng mức hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh bậc trung học cơ sở
Sở Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 1983/SGDĐT-KHTC ngày 21/8/2024 trả lời cử tri Ma Xuân Cương, Bí thư Đảng ủy xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo đó, cử tri phản ánh: “Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2016 quy định cùng một mức hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) là chưa phù hợp, do học sinh tiểu học chỉ học 5 ngày/tuần nhưng học sinh THCS còn học thêm 1 buổi sáng thứ Bảy; thể chất của học sinh THCS lớn hơn nên có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương tăng mức hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh bậc THCS”.

Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Ngày 18/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Nghị định số 116/2016/NĐ-CP). HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 6/11/2016 về việc quy định cụ thể thực hiện một số nội dung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và một số chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND). Theo đó, mỗi học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn khi đủ điều kiện được hưởng chính sách theo các quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND thì được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Đến nay, chính sách này đã triển khai thực hiện được 8 năm. Đây là chính sách lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với tỉnh Bắc Kạn, chính sách đã hỗ trợ được nhiều học sinh ở những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để các em học sinh an tâm đến trường học tập, giảm áp lực của gia đình, góp phần không nhỏ hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các chính sách đối với học sinh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ chỉ mang tính chất hỗ trợ cho học sinh do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Để giúp cho học sinh có đủ điều kiện tham gia học tập, đặc biệt là đảm bảo về chế độ ăn, ở cần tiếp tục có sự quan tâm từ gia đình, xã hội.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cho Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, trong đó chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với học sinh dự kiến có sự thay đổi để phù hợp hơn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, trong đó có đề nghị hỗ trợ số lượng gạo/tháng cho học sinh theo cấp học (hoặc lứa tuổi) để phù hợp và đảm bảo đủ năng lượng cho học sinh theo từng lứa tuổi (Công văn số 4865/UBND-VXNV ngày 28/7/2023 của UBND tỉnh về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách)./.

DT